Giới quan sát nhận định nhóm hợp tác bốn bên mới nổi gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines đang giữ vị trí cốt lõi trong chính sách an ninh đối ngoại của Mỹ ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật Bản và Philippines họp tại Hawaii vào ngày 2-5. Ảnh: Kyodo |
Cùng với “Bộ tứ kim cương” (QUAD Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) và AUKUS (Úc-Anh-Mỹ), nhóm bốn bên mới thuộc hệ thống các mối quan hệ đối tác khu vực dưới sự dẫn dắt của Mỹ nhằm tạo đối trọng với tầm ảnh hưởng không ngừng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Những chuyển động hợp tác quân sự Mỹ-Nhật-Úc-Philippines với các cuộc tập trận chung cùng với cuộc họp cấp cao khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu nhóm phối hợp chung này đang thay thế QUAD hay không và “đòn bẩy” Ấn Độ ở đâu trong chiến lược hiện nay của Mỹ.
Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng
Theo AP, tuần trước tại Hawaii (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines nhóm họp lần thứ hai sau cuộc gặp vào năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh. Cuộc gặp lần này nhằm xác lập lộ trình đầy tham vọng của các bên hướng đến hòa bình, ổn định và răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giới chức Lầu Năm Góc gọi hợp tác bốn bên này với biệt danh là “biệt đội” (SQUAD).
Theo Asia Times, nhóm bốn bên mới nổi này tổ chức tập trận quân sự trên biển vào tháng 4-2024, dự kiến tiến hành nhiều hơn các cuộc tuần tra và tập trận chung, cùng với tăng cường hợp tác tình báo và an ninh hàng hải trong những tháng tới với quy mô liên tục nâng cao theo thời gian trong bối cảnh nhóm này dè chừng trước sự hiện diện của Trung Quốc khắp tây Thái Bình Dương. Ở cấp độ chiến thuật, nhóm mới sẽ hình thành cơ chế phối hợp quân sự tương tự nhưng hiệu quả hơn QUAD khi có sự gắn kết nội bộ cao hơn và tầm nhìn chiến lược chung rõ ràng cho khu vực.
Nhận định này cũng dễ hiểu bởi suy cho cùng Nhật Bản, Úc và Philippines đều là đồng minh của Mỹ, trong đó Ấn Độ, dù là thành viên của QUAD nhưng không phải là đồng minh của Mỹ. Điều đáng chú ý là chính sách xoay trục sang phương Tây của Tổng thống Philippines Marcos Jr và lập trường ngày càng cứng rắn của ông về an ninh trên biển trong thời gian gần đây đang thúc đẩy quá trình thể chế hóa nhanh chóng nhóm bốn bên mới. Philippines là đồng minh hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và chuẩn bị hoàn tất hiệp ước theo kiểu Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Nhật Bản tương tự như các thỏa thuận hiện có với Úc và Mỹ.
Trong khi đó, Global Times gần đây công khai cảnh báo nhóm an ninh bốn bên dẫn đến lo ngại về căng thẳng và chia rẽ phức tạp hơn giữa các nước trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh sự khó chịu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với vai trò của Phillipines như một trụ cột mới trong chiến lược “răn đe tổng hợp” của Mỹ nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng hiện nay đối với các nhà lãnh đạo Philippines là ưu tiên lợi ích chung với Trung Quốc, cùng giải quyết các khác biệt hiện có và nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vì lợi ích của cả hai bên.
Sự thay thế cho QUAD?
Nikkei Asia dẫn lời ông Ashley Tellis, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định QUAD với sự có mặt của Ấn Độ có vẻ như đang lùi một bước. Loạt sự kiện đáng chú ý như cuộc bầu cử ở Ấn Độ và Mỹ, cùng với các xung đột ở châu Âu và Trung Đông, khiến Mỹ phải tính toán lại hiệu quả của QUAD. Theo chuyên gia này, cùng với AUKUS, nhóm bốn bên mới nổi, với quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật ở vị trí trung tâm sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với QUAD. Ở phạm vi hẹp hơn, ông Kent Calder, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Edwin O. Reischauer tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Rõ ràng chuỗi các tam giác Mỹ-Nhật-Hàn và Mỹ-Nhật-Philippines thực sự là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay với các chức năng cụ thể”.
Tuy nhiên, Lisa Curtis, Giám đốc Chương trình An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của tổ chức nghiên cứu an ninh Center for a New American Security (CNAS), cho rằng nhóm bốn bên mới không phải là sự thay thế cho QUAD, mà chỉ là sự bổ sung sức mạnh bởi trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột hoặc khủng hoảng nào trong khu vực, Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát khu vực Ấn Độ Dương và eo biển Malacca.
Nội bộ QUAD đang căng thẳng do Ấn Độ từ chối tuân theo lập trường trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đối tác chiến lược lớn của mình. Đó hẳn nhiên cũng là lý do khiến lãnh đạo nước đối tác trong nhóm liên tiếp từ chối tham dự các hội nghị thượng đỉnh năm nay do Ấn Độ đăng cai. Theo Nikkei Asia, sự khác biệt giữa “Bộ tứ kim cương” và nhóm bốn bên mới nằm ở sự hiện diện của chiến lược răn đe. Thực tế, dù có tên chính thức là Đối thoại An ninh Tứ giác, QUAD vẫn thận trọng “né” các vấn đề an ninh “nóng” mà thay vào đó chủ yếu giải quyết các vấn đề phi quân sự. Về tổng thể, các tuyên bố chung được đưa ra sau ba hội nghị thượng đỉnh vừa qua đều truyền tải thông điệp “hòa bình” và “ổn định” nhưng chưa bao giờ đề cập đến khả năng răn đe. Điều này dễ hiểu bởi Ấn Độ lâu nay kiên định chính sách đối ngoại không liên kết và gần đây theo đuổi tự chủ chiến lược.
THƯ LÊ