Ngày 7-5, ông Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga lần thứ 5 trong bối cảnh niềm tin của công chúng tạo động lực mạnh mẽ cho chặng đường dẫn dắt đất nước trong 6 năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ trong lễ nhậm chức tại Điện Kremlin ngày 7-5. Ảnh: Reuters |
Buổi lễ nhậm chức của ông Putin, 71 tuổi, được tổ chức trọng thể tại Điện Kremlin. Trong cuộc bầu cử tháng 3-2024, ông nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 87,28%. Điều này chứng tỏ đối với cử tri Nga, không ai có thể thay thế ông Putin vốn là niềm tự hào của xứ xở bạch dương. Sự lãnh đạo của ông tiếp tục định hình quỹ đạo phát triển của nước Nga, với các sáng kiến và chính sách tác động định hướng của đất nước trong bối cảnh tình hình địa chính trị căng thẳng và rạn nứt ngoại giao với phương Tây.
Trong lễ nhậm chức cách đây 6 năm, ông Putin mong muốn Nga phải là quốc gia hiện đại và sôi động, sẵn sàng ứng phó với những thách thức của thời đại. Tiếp nối ý chí này, trong thời khắc ngày 7-5 đưa ông đi vào lịch sử với tư cách nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm, ông tuyên bố nước Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau giai đoạn khó khăn. “Chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta là một quốc gia đoàn kết và vĩ đại. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, thực hiện mọi thứ đã lên kế hoạch, và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”, RT dẫn lời ông Putin nhấn mạnh.
Về mối quan hệ với phương Tây, ông Putin tuyên bố Nga không loại trừ đối thoại với phương Tây. “Chúng tôi không từ chối đối thoại với các nước phương Tây. Sự lựa chọn là của họ: họ có ý định tiếp tục cố gắng kiềm chế sự phát triển của Nga, tiếp tục chính sách gây áp lực không ngừng mà họ đã theo đuổi trong nhiều năm hay tìm kiếm con đường hợp tác và hòa bình. Sự hợp tác này phải bao gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh và ổn định chiến lược. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải được thực hiện với sự tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở bình đẳng”, ông Putin nhấn mạnh. Cùng với các đối tác của mình, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực hình thành trật tự thế giới đa cực và hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt; đồng thời cố gắng duy trì khả năng kinh tế tự cường và cạnh tranh.
Theo TASS, các cột mốc quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin bao gồm nỗ lực chống khủng bố, Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, World Cup 2018, hoạt động ở Syria, việc thành lập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), sáp nhập bán đảo Crimea và hoạt động quân sự đặc biệt. Trong hơn 2 thập niên nắm quyền, ông Putin được ví như “siêu anh hùng” tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên chính trường thế giới và được nhiều người Nga tin yêu.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Putin có thể thực hiện một số bước đi đối ngoại, trong đó nổi bật là chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 5-2024 và sau đó tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan.
Lễ nhậm chức của Tổng thống Nga không chỉ là sự kiện long trọng mà còn khởi động tiến trình thành lập chính phủ mới. Theo đó, tất cả bộ trưởng đều được chuyển sang trạng thái tạm quyền điều hành cho đến khi thành phần nội các mới được thông qua. Quá trình này có thể hoàn thành trước ngày 14-6. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Nga, người đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp sẽ do Tổng thống đích thân bổ nhiệm.
Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko, dự kiến không có thay đổi lớn nào trong nội các khi Chính phủ Nga do Thủ tướng Mikhail Mishustin lãnh đạo hoạt động hiệu quả, kể cả thời Covid-19 lẫn sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra. Tuy vậy, Bloomberg dự đoán một số thay đổi trong thành phần chính phủ Nga, cụ thể là lãnh đạo trong các lĩnh vực như năng lượng và nông nghiệp.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Nikolai Petrov tại tổ chức Chatham House (Anh), ông Putin lâu nay sử dụng hai mô hình quản trị. Một mặt, ông tín nhiệm những người bạn đáng tin cậy, chẳng hạn Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, người giữ chức vụ trong hai thập niên. Mặt khác, ông Putin dựa vào các nhà kỹ trị trung thành như Thủ tướng Mikhail Mishustin và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Chuyên gia này dự đoán, bất kỳ thay đổi nào trong nội các cũng sẽ thực hiện có thể sẽ diễn ra nhanh chóng nhằm bảo đảm các quan chức cấp cao sẽ tiếp tục làm việc liền mạch, không bị gián đoạn.
Đằng sau tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga Ngày 6-5, Nga thông báo sẽ tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga mô tả các cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sắp tới nhằm “hạ nhiệt những cái đầu nóng” ở các nước phương Tây về việc đe dọa triển khai bộ binh tới Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang khủng hoảng ở Ukraine thành cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Nga cũng cảnh báo sẽ coi bất kỳ máy bay chiến đấu F-16 nào mà NATO dự định chuyển giao cho Ukraine là những máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân và coi quyết định cung cấp chúng là hành động khiêu khích có chủ ý. Trong diễn biến đáng chú ý khác, một quân nhân thuộc quân đội Mỹ đã bị bắt tại thành phố cảng Vladivostok của Nga. CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết, quân nhân này bị bắt vào tuần trước với nghi ngờ trộm cắp, và hiện đang bị giam giữ trước khi xét xử. |
THƯ LÊ