Đằng sau sự gia tăng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản

.

Hơn 700 khu vực tại Nhật Bản có khả năng biến mất trong tương lai và số lượng nhà bỏ hoang tăng đáng kể do suy giảm nhân khẩu học.

Theo Japan Times, nghiên cứu của hội đồng chuyên gia về các khu vực tự quản ở Nhật Bản cho thấy, hơn 40% các đô thị tại nước này có thể chứng kiến ​​số lượng cư dân nữ trẻ tuổi giảm hơn một nửa trong vòng 30 năm đến năm 2050, khi dân số nước này vẫn suy giảm nhanh chóng. Ủy ban về chiến lược dân số cảnh báo, 744 đô thị được cho là có nguy cơ biến mất do số lượng phụ nữ ở độ tuổi 20 - 30, thế hệ cốt lõi chịu trách nhiệm sinh con, có thể giảm mạnh. Theo nghiên cứu tương tự do Hội đồng chính sách Nhật Bản, ước tính 896 đô thị, tương đương 49,8% tổng số, sẽ chứng kiến ​​số cư dân nữ trẻ giảm hơn một nửa vào năm 2040.

Kết quả cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 30-4 cho thấy, số lượng nhà bỏ hoang ở nước này tăng lên mức kỷ lục 9 triệu căn, tính tới tháng 10-2023, tăng 510.000 căn so với khảo sát gần nhất vào năm 2018. Như vậy, tính tới tháng 10-2023, số nhà bỏ hoang chiếm 13,8% tổng số nhà ở trên cả nước. Đây là tỷ lệ cao kỷ lục, cho thấy cứ có khoảng 7 ngôi nhà thì có một ngôi nhà không có người ở. Trong số hơn 5,02 triệu căn hộ chung cư có 16,7% bị bỏ hoang, tương đương 846.800 căn, tăng 8,6% so với năm 2018 hoặc khoảng 60% so với 20 năm trước.

Theo Japan Times, dân số già nhanh và tỷ lệ sinh giảm là nguyên nhân chính khiến các đô thị đứng trước nguy cơ biến mất. Guardian cũng nhận định, suy giảm dân số là nguyên nhân dẫn đến số lượng nhà bỏ hoang tại Nhật Bản tăng cao. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 2-2024, số trẻ sơ sinh năm 2023 giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, thấp hơn kỷ lục trước đó là 800.000 em trong năm 2022. Dân số, bao gồm cả cư dân nước ngoài, giảm 831.872 người, vì tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh. Sự sụt giảm này diễn ra sớm hơn nhiều so với dự báo của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia của Chính phủ Nhật Bản khi ước tính tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 760.000 người vào năm 2035.

Trong khi đó, số nhà bỏ hoang tăng lên là do những cư dân trẻ tuổi ở vùng nông thôn rời quê để tìm việc làm ở thành phố. Còn khi già đi, người Nhật thường rời nhà đến các cơ sở chăm sóc người già, để lại những ngôi nhà trống rỗng. Nhà bỏ hoang xuất hiện đặc biệt nhiều ở các vùng nông thôn. Nhiều ngôi nhà nông thôn thuộc quyền sở hữu của những người đang sống ở các thành phố lớn. Nhiều ngôi nhà được thừa kế không có người ở vì những người thừa kế không có ý định sống ở đó. Những người thừa kế này không có khả năng hoặc không muốn cải tạo, thậm chí phá bỏ chúng, bởi chi phí phá dỡ một ngôi nhà bỏ trống thường rất đắt đỏ. Ngoài ra, đất trống ở Nhật Bản phải chịu thuế cao hơn so với đất có xây dựng, làm tăng gánh nặng tài chính cho việc phá dỡ những ngôi nhà cũ và khiến một số người tránh việc thừa kế bất động sản.

Việc người Nhật ưu tiên xây dựng nhà mới hơn là sửa chữa những ngôi nhà hiện có càng góp phần khiến số nhà bỏ trống tăng lên. Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, khoảng 980.000 ngôi nhà mới được xây, trong khi chỉ có khoảng 170.000 ngôi nhà hiện có được bán. Có điều đáng chú ý là những ngôi nhà bỏ hoang ở Nhật Bản tăng lên không ngừng khiến dư luận trong nước lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nhà ở nhưng lại là “mỏ vàng” với khách nước ngoài. Những ngôi nhà bỏ hoang tạo ra vấn đề “ngôi làng ma”, nhưng chúng lại là cơ hội cho những ai có nhu cầu sở hữu chúng. Ngoài ra, không giống như các quốc gia khác, Nhật Bản không có hạn chế đối với việc người nước ngoài đến mua bất động sản.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.