Đằng sau thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Saudi Arabia

.

Mỹ và Saudi Arabia đang đi đến chặng cuối hoàn tất thỏa thuận mang tính bước ngoặt củng cố liên minh an ninh kéo dài 7 thập niên, đồng thời tăng tính gắn kết để ứng phó với các đối thủ cạnh tranh khác đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tháng 4-2024. Ảnh: Reuters
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tháng 4-2024. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận lớn gồm ba thành phần: gói thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia; mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel; con đường dẫn đến Nhà nước Palestine. “Tất cả đều được liên kết với nhau. Không thành phần nào tiến triển nếu không có những thành phần còn lại”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết. Truyền thông quốc tế cũng cung cấp những góc nhìn sâu hơn về những rủi ro và lợi ích từ thỏa thuận lớn này.

Vì sao Saudi Arabia muốn hợp tác hạt nhân?

Với tư cách là “ông lớn” xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Saudi Arabia thoạt nhìn không phải là ứng viên rõ ràng cho hiệp ước hạt nhân với Mỹ nhằm phục vụ mục đích sản xuất điện. Có hai lý do thôi thúc quốc gia vùng Vịnh theo đuổi hợp tác trong lĩnh vực này. Theo Reuters, đầu tiên là theo kế hoạch cải cách Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman với mục tiêu tạo ra năng lượng tái tạo đáng kể và giảm lượng khí thải. Ít nhất một phần trong số này dự kiến đến từ năng lượng hạt nhân. Các nhà phê bình cũng viện dẫn lý do thứ hai: Saudi Arabia có thể muốn phát triển chuyên môn hạt nhân trong trường hợp một ngày nào đó nước này muốn sở hữu vũ khí hạt nhân bất chấp quy định trong bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ. Thái tử Saudi Arabia từ lâu đã nói rằng nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân thì Saudi Arabia sẽ “nối gót”, một lập trường làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc trong một số nhà lập pháp Mỹ vốn ủng hộ kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo SPA, cuối tuần qua, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp Thái tử Mohammed bin Salman để đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự, một phần của thỏa thuận lớn nói trên. Hai bên đã rà soát phiên bản gần như đang được hoàn thiện của dự thảo thỏa thuận chiến lược này.

Tính toán của Mỹ

Mỹ lâu nay luôn tính đến lợi ích chiến lược và thương mại trong bất cứ thỏa thuận nào đối với các đồng minh và đối tác toàn cầu. Sự hợp tác với Saudi Arabia lần này cũng không ngoại lệ. Theo AP, xét về lợi ích chiến lược, thỏa thuận giúp củng cố an ninh của Israel, đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Đông; xây dựng liên minh rộng lớn và vững chãi hơn để ứng phó với Iran; củng cố quan hệ của Mỹ với một trong những quốc gia Arab giàu có nhất vào thời điểm Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở vùng Vịnh. Theo đó, thỏa thuận này có khả năng sẽ tái định hình cấu trúc an ninh Trung Đông theo tham vọng của Mỹ.

Trong khi đó, về lợi ích thương mại, cái bắt tay chặt hơn với Saudi Arabia sẽ đưa ngành công nghiệp Mỹ vào vị trí đắc địa để giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia vùng Vịnh này, đặc biệt trong bối cảnh các công ty năng lượng nguyên tử của Mỹ cạnh tranh với Nga, Trung Quốc và các nước khác để mở rộng mạng lưới kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, hợp tác hạt nhân dân sự vẫn gặp một số rào cản nhất định. Lâu nay chính quyền Tổng thống Joe Biden không hề che giấu ý định làm trung gian giúp Saudi Arabia và Israel bình thường hóa quan hệ. Ông Biden hy vọng sẽ chiều lòng Saudi Arabia về một số điều họ muốn: hiệp ước hạt nhân dân sự, cam kết bảo đảm an ninh và con đường hướng tới một nhà nước Palestine, để đổi lấy việc Riyadh đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, thật khó để người Saudi Arabia sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel trong lúc cuộc chiến ở Gaza vẫn diễn ra ác liệt với số dân thường Palestine thiệt mạng tăng lên từng ngày. Do đó, Saudi Arabia đang thúc đẩy kế hoạch B về thỏa thuận song phương với Mỹ mà không có thành phần bình thường hóa quan hệ với Israel.

Một khúc mắc khác là liệu Mỹ có thể đồng ý xây dựng cơ sở làm giàu uranium - một thành phần quan trọng để phát triển vũ khí hạt nhân - trên lãnh thổ Saudi Arabia hay không, và khả năng cơ sở này sẽ chỉ do nhân viên Mỹ điều hành theo thỏa thuận ngầm bởi Mỹ vẫn kiên quyết áp đặt những hạn chế đối với các hoạt động làm giàu uranium của vương quốc này.

Chính trường Israel thêm rối ren
Chính trường Israel thêm rối ren khi chiến dịch quân sự ở Dải Gaza đang tạo thêm nhiều hố sâu chia rẽ trong nước. Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiện không chỉ đối mặt sức ép từ dư luận quốc tế, biểu tình trong nước mà còn bị cô lập trong nội các thời chiến do chính ông lập ra. Theo Reuters, 2 trong số 3 thành viên trong nội các thời chiến cảnh báo sẽ rút lui nếu ông Netanyahu không đưa ra cam kết tầm nhìn thống nhất đối với Gaza hậu xung đột. Lãnh đạo phe đối lập Benny Gantz, đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Netanyahu, đã đưa ra “tối hậu thư”. Việc ông Gantz rút lui sẽ không dẫn đến sự sụp đổ bởi ông không phải là thành viên của chính phủ liên minh. Tuy nhiên, viễn cảnh này sẽ gây tổn hại hình ảnh đoàn kết thời chiến mà ông Netanyahu vẫn cố gắng thể hiện. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, thành viên khác trong nội các thời chiến, cũng công khai phản đối cách tiếp cận của ông Netanyahu về vấn đề Gaza.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.