Những ngày qua, Đông Nam Á liên tục đón tiếp lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ, cũng là hàng đầu thế giới như Microsoft, Apple... Việc các “ông lớn” này cùng bày tỏ quan tâm đặc biệt tới Đông Nam Á rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Đáng chú ý nhất là các tuyên bố liên tiếp về các khoản đầu tư “kếch xù” của Microsoft vào Đông Nam Á. Ngày 30-4 là khoản “rót” 1,7 tỷ USD trong 4 năm để xây dựng các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây tại Indonesia, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất trước nay của Microsoft vào Indonesia trong lịch sử 29 năm hoạt động tại nước này. Ngoài Microsoft, Apple và Nvidia cũng tăng đáng kể đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Chỉ một ngày sau, ông Satya Nadella, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft tiếp tục công bố “cam kết quan trọng” trong xây dựng trung tâm dữ liệu vùng mới tại Thái Lan. Rồi ngày kế tiếp, Microsoft công bố đầu tư 2 tỷ USD trong 4 năm tới vào hạ tầng điện toán đám mây và AI tại Malaysia, cũng như hợp tác với chính phủ nước này xây trung tâm AI quốc gia. Microsoft cũng cam kết hỗ trợ cung cấp đào tạo cho 2,5 triệu người tại 4 quốc gia là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho tới năm 2025.
Ngoài tác động không nhỏ của cạnh tranh nước lớn và xung đột địa chính trị, động lực hàng đầu với bất cứ doanh nghiệp nào cũng là lợi nhuận. Microsoft nhìn thấy Đông Nam Á với tổng số hơn 600 triệu dân và phần lớn là dân số trẻ là thị trường phát triển mạnh, tiềm năng cho phát triển AI. Theo hãng tư vấn thị trường Kearney, AI có thể đóng góp gần 1.000 tỷ USD cho GDP của Đông Nam Á vào năm 2030. Theo ước tính của tập đoàn đa quốc gia nghiên cứu thị trường Technavio, trong giai đoạn từ 2024-2028, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu (Data Center Market) tại Đông Nam Á sẽ đạt mức tăng trưởng kỷ lục khi tăng thêm 3,69 tỷ USD, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 6,6%
. Trong xu thế phát triển chung của các trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á, có xu hướng là nhiều doanh nghiệp hướng tới xây dựng các trung tâm lớn, nhiều tầng thay vì mở quá rộng quy mô diện tích trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
Về tổng thể, nhiều “ông lớn” công nghệ đang nhắm tới các cơ sở có không gian lớn với công suất khoảng từ 150MW để phục vụ hiệu quả khách hàng. Việc vận hành các siêu trung tâm dữ liệu kiểu này được cho là dễ dàng hơn so với nhiều trung tâm nhỏ, từ đó giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Với dung lượng lưu trữ lớn, các trung tâm như thế còn là mô hình “cùng thắng” với các bên.
Vì sao lúc này thị trường trung tâm dữ liệu bùng nổ tại Đông Nam Á? Có thể giải thích điều này từ một số yếu tố như mức tăng nhanh về dữ liệu, quá trình số hóa, và sự phát triển của Internet vạn vật (IoT) trong khu vực. Sự tăng trưởng đó được hỗ trợ bằng học máy, các thuật toán giúp quản lý một số lượng lớn dữ liệu phát sinh.
Công nghệ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nhiều khu vực ở Đông Nam Á. Người dân quen mua sắm, chuyển tiền bằng các phương tiện vốn chưa từng biết vào khoảng 10 năm trước. Ngoài các lĩnh vực tiếp tục phát triển như thương mại điện tử, giao thông, đặt đồ ăn, du lịch, truyền thông và các dịch vụ tài chính online, năm nay còn có thêm lĩnh vực mới hứa hẹn phát triển mạnh là công nghệ thời tiết. Trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu, lĩnh vực này sẽ thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư tài chính nhất trong năm nay.
Khi số người dùng Internet tăng lên, lưu lượng Internet tăng theo, trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ mạng dữ liệu. Các doanh nghiệp B2B (chỉ giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) cũng đang đầu tư lớn vào phần cứng để có thể bắt kịp xu hướng.
GDP các nước cũng phản ánh mức độ số hóa đang ngày càng mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon Web Services và Google Cloud cũng đang mở rộng sự hiện diện tại đây. Đông Nam Á cũng nổi lên như khu vực tiềm năng lớn về trữ lượng điện tái tạo, tạo sức hút lớn với các hãng công nghệ vốn tiêu thụ nguồn năng lượng “khủng” trong lúc đối mặt sức ép tuân thủ tiêu chuẩn “xanh” trong sản xuất kinh doanh.
Theo xu thế chung, cùng với sự phát triển của dịch vụ số hóa, mỗi “ông lớn” công nghệ rốt cuộc sẽ tiến tới việc có trung tâm dữ liệu vùng ở từng quốc gia, vừa để thỏa mãn điều kiện pháp luật của nhiều quốc gia về quyền bảo mật dữ liệu người dùng, vừa bảo đảm tính hiệu quả, ổn định của dịch vụ mạng. Do đó, việc đi trước đón đầu xu thế này tại Đông Nam Á của các công ty công nghệ Mỹ là tất yếu.
ĐỖ DƯƠNG