Chính phủ nhiều nước đang đau đầu với việc cho học sinh nghỉ hay tiếp tục học tập trong điều kiện nóng bức bởi quyết định này sẽ gây ra những hệ lụy không hề nhỏ.
Theo Reuters, Hena Khan, học sinh lớp 9 ở thủ đô Dhaka (Bangladesh) khó có thể tập trung việc học trong nắng nóng nghiêm trọng.
“Không thể nào học ở trường trong cái nóng khắc nghiệt này. Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Đúng hơn là mạng sống của chúng em đang gặp nguy hiểm”, cô bé nói. Khan chỉ là một trong hơn 40 triệu học sinh phải nghỉ học trong những tuần gần đây vì nắng nóng buộc các trường học ở một số khu vực châu Á và Bắc Phi phải đóng cửa. Sự nóng lên toàn cầu khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn và đạt đến đỉnh điểm khi nhiệt độ trung bình tăng lên.
Chính phủ Philippines yêu cầu tạm dừng học trực tiếp tại khoảng 7.000 trường công lập trong ngày 29-4 và 30-4 trong bối cảnh nhiệt độ tăng kỷ lục, có nơi lên tới mức kỷ lục 500C. Ngoài ra, hơn 75% giáo viên tại nước này cho rằng, nền nhiệt hiện tại ở mức không thể chịu đựng và có 87% học sinh mắc phải các triệu chứng liên quan đến nhiệt trong những ngày qua.
Ngày 29-4, Tòa án tối cao Bangladesh ra lệnh đóng cửa các trường học trên toàn quốc, chỉ một ngày sau khi chính phủ cho phép học sinh trở lại lớp học bất chấp nhiệt độ như thiêu đốt trong đợt nắng nóng dữ dội nhất ở nước này kể từ lúc ghi nhận số liệu nhiệt độ vào năm 1948. Theo Laotian Times, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã chỉ đạo các nhà quản lý trường học xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết vì lo ngại những rủi ro về sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt.
Theo Reuters, số ngày trường học phải đóng cửa vì nắng nóng cực độ cũng tăng lên ở Mỹ. Ông Paul Chinowsky, người đứng đầu nghiên cứu về trường học và nhiệt độ tăng cao cho biết, các trường học ở Mỹ hiện đang nghỉ học trung bình từ 6 đến 7 ngày mỗi năm vì nắng nóng, so với khoảng 3 đến 4 ngày của một thập niên trước.
Theo dữ liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đi học trên thế giới thất học, nhưng tỷ lệ này ở các nước đang phát triển lớn hơn nhiều. Gần 1/3 trẻ em ở khu vực châu Phi cận Sahara thất học trong khi tỷ lệ này ở Bắc Mỹ chỉ 3%. Kết quả học tập của trẻ em ở các nước đang phát triển cũng tụt rất xa so với các nước phát triển.
Reuters dẫn nhận định của giới chuyên gia cho biết, nắng nóng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm gia tăng khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, thậm chí giữa các quận, huyện giàu và nghèo ở cùng một nước. Tuy nhiên, việc để trẻ đến trường trong thời tiết quá nóng có thể khiến chúng bị bệnh. Ngoài ra, khi học sinh tiếp tục đến lớp trong thời tiết nắng nóng, việc học tập của các em chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhiệt độ cao làm chậm chức năng nhận thức của não, làm giảm khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin của học sinh. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Economic Journal cho thấy, nhiệt độ tăng thêm 0,550C làm giảm kết quả học tập của năm đó 1%.
Reuters dẫn lời ông Josh Goodman, chuyên gia kinh tế tại Đại học Boston (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, điều đó thật đáng lo ngại bởi vì các nước vốn có khí hậu nóng nay chuyển sang cực nóng sẽ phải chịu thiệt hại nhiều hơn các nước ôn đới. Biến đổi khí hậu làm tăng khoảng cách học tập giữa các nước có khí hậu nóng và mát.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ quá cao ở vùng nhiệt đới có thể ảnh hưởng việc học tập của trẻ ngay cả trước khi chúng ra đời. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ cho thấy, trẻ em ở Đông Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn mức trung bình khi còn trong bụng mẹ và khi còn nhỏ sẽ có số năm đến trường ít hơn khi lớn lên.
NGHI VĂN