Nga truy nã Tổng thống Ukraine

.

Bộ Nội vụ Nga phát lệnh truy nã Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số chính trị gia Ukraine theo điều khoản trong Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga.

Tổng thống Zelensky bị đưa vào danh sách truy nã hình sự của Nga vào ngày 4-5. Ảnh: UPI
Tổng thống Zelensky bị đưa vào danh sách truy nã hình sự của Nga vào ngày 4-5. Ảnh: UPI

Ngày 4-5, RT đăng tin: “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện trong danh sách truy nã của Bộ Nội vụ Nga vào ngày 4-5. Tội danh chính xác của ông ấy vẫn chưa rõ”. Trong khi đó, trang web của Bộ Nội vụ Nga liệt kê tên đầy đủ, hình ảnh cũng như ngày sinh và nơi sinh của Tổng thống Zelensky khi đưa nhà lãnh đạo Ukraine vào danh sách truy nã. Ông Zelensky sinh ngày 25-1-1978, trở thành Tổng thống Ukraine vào năm 2019.

Theo tờ The Kyiv Independent, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine Oleksandr Pavliuk cũng nằm trong danh sách truy nã ngày 4-5. Ông Poroshenko (59 tuổi) là người tiền nhiệm của ông Zelensky và cầm quyền trong giai đoạn 2014-2019. Theo RT, ông Poroshenko là người ký Thỏa thuận Minsk nhằm hòa giải Ukraine với hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbas vốn từ chối công nhận chính phủ sau đảo chính ở Ukraine.

Tuy nhiên, năm 2023, ông Poroshenko thừa nhận rằng các hiệp định được sử dụng để “câu giờ” nhằm giúp Ukraine có thêm thời gian để trang bị vũ khí. Cựu tổng thống còn cho biết ông đã “quay xe” sang NATO để chuẩn bị cho một cuộc xung đột thay vì tuân theo lộ trình hòa bình của Thỏa thuận Minsk.

Diễn biến trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine Alexander Litvinenko, người đảm nhận vị trí này vào tháng 3-2024. Theo RT, tháng 4-2024, Litvinenko tuyên bố cần tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào sâu trong lãnh thổ Nga để gây áp lực lên nước này; đồng thời mô tả chiến thuật này là yếu tố then chốt trong chiến lược của Ukraine.

Tương tự, cựu Bộ trưởng Tài chính Aleksandr Shlapak và cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Stepan Kubiv cũng đối mặt lệnh bắt giữ với cáo buộc tài trợ cho cuộc đàn áp quân sự của Ukraine đối với Donbass vào năm 2014. Năm ngoái, Bộ Nội vụ Nga thông báo truy nã lãnh đạo Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, tướng Kyrylo Budanov. Trong tuyên bố trực tuyến được công bố ngày 4-5, Bộ Ngoại giao Ukraine một mực chỉ trích và bác bỏ động thái của Nga.  

Đến nay, Nga vẫn chưa công bố chi tiết thủ tục tố tụng hình sự đối với các quan chức Ukraine nói trên. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia Nga đăng tải trên truyền thông nước này, quyết định của Nga được đưa ra sau nhiều lần cáo buộc Ukraine sử dụng các phương thức khủng bố trong suốt cuộc xung đột giữa hai nước. Theo RT, tháng 4-2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những lời đe dọa của ông Zelensky về phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga là bằng chứng cho thấy ý định khủng bố của Chính phủ Ukraine. Tuyên bố này nhằm ám chỉ đến việc lực lượng Ukraine đứng đằng sau các vụ tấn công cầu Crimea, nơi đã trở thành mục tiêu trong hai vụ đánh bom lớn, với mỗi vụ đều dẫn đến một số thường dân thiệt mạng.

Ngoài giới chức Ukraine, Nga cũng có động thái pháp lý tương tự đối với nhiều chính trị gia của các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Đáng chú ý, tháng 2-2024, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị Nga truy nã. Ông Kallas là người quyết liệt ủng hộ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga, cùng với Bộ trưởng Văn hóa Lithuania Simonas Kairys và các thành viên Quốc hội Latvia.

Theo tờ Moscow Times, lệnh truy nã đối với các quan chức với cáo buộc “xúc phạm ký ức lịch sử” về hành động phá hủy các di tích thời Liên Xô của quốc gia vùng Baltic này, theo tuyên bố của Điện Kremlin. Theo giới quan sát, việc Nga phát lệnh truy nã với quan chức các nước này nhằm mục đích tái khẳng định sự tồn tại của một “thế giới Nga” (khái niệm nhắc đến sự bao trùm toàn bộ cộng đồng người nói tiếng Nga bên ngoài nước Nga) và về một nước Nga ở trung tâm của một thế giới, dõi theo cuộc sống của mọi công dân của mình.

Ngoài ra, trong động thái đáp trả, Nga ra lệnh bắt một công tố viên của Tòa Hình sự quốc tế (ICC), người năm ngoái chuẩn bị lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan vấn đề Ukraine mà Nga một mực bác bỏ. Hiện không rõ động thái của Nga ảnh hưởng như thế nào tới Tổng thống Zekensky và cho đến nay ông chưa lên tiếng về vụ việc này. Song, nhiều khả năng sẽ không bị tác động bởi theo New York Post, ông Zelensky từng nói rằng bản thân là mục tiêu của ít nhất 5 âm mưu ám sát và sau nhiều lần ông chỉ xem những đe dọa này “nhẹ nhàng như mắc Covid-19”.

Phó Giám đốc tình báo quân sự Ukraine (HUR), Vadym Skibitskyi, nói với tờ The Economist rằng Nga có “kế hoạch 3 lớp” đối với Ukraine, đó là: nỗ lực giành ưu thế trên chiến trường, chiến dịch tuyên truyền thông tin và tăng sự cô lập của Ukraine trên trường quốc tế. Đáng chú ý, chiến dịch lan truyền thông tin nhằm mục đích làm suy yếu nỗ lực huy động trợ giúp từ bên ngoài của Ukraine và tính hợp pháp chính trị của Tổng thống Zelensky vốn có nhiệm kỳ tổng thống 5 năm trên danh nghĩa sẽ hết vào ngày 20-5, nhưng Hiến pháp Ukraine cho phép gia hạn vô thời hạn trong thời chiến.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.