Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm ba nước châu Âu: Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5 đến 10-5, đánh dấu sự trở lại “lục địa già” sau 5 năm.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (bên phải) chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Orly ngày 5-5. Ảnh: AFP |
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của ông Tập Cận Bình là một phần trong nỗ lực đảo ngược chính sách cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) về giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai bên chưa thuyên giảm.
Dàn xếp khúc mắc về thương mại
Năm năm trôi qua, nhà lãnh đạo Trung Quốc trở lại châu Âu trong bầu không khí rất khác khi quan điểm về Trung Quốc đã thay đổi và có sự chia rẽ đáng kể trong lòng lục địa này. Do đó, việc lựa chọn các nước châu Âu cho chuyến thăm không phải ngẫu nhiên. Thông qua chuyến đi, ông Tập Cận Bình kỳ vọng giảm bớt căng thẳng thương mại với EU, đặc biệt là khi khối này tăng cường giám sát hoạt động thương mại của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Điểm dừng chân đầu tiên là Pháp, nơi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày 6-5. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5-5 cho biết, ông Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ Trung Quốc - Pháp là hình mẫu cho cộng đồng quốc tế chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các nước có hệ thống xã hội khác nhau.
Chuyến thăm giúp củng cố tình hữu nghị lâu dài, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Theo Global Times, hai nước có thể ký một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân và nông nghiệp. “Ông lớn” Airbus (Pháp) đang đàm phán với Trung Quốc về đơn đặt hàng máy bay lớn tiềm năng.
La Tribune dẫn lời ông Macron nói rằng, châu Âu vẫn cần Trung Quốc và kêu gọi tái thiết quan hệ kinh tế với nước này; đồng thời cho rằng lục địa này có thể đóng vai trò cân bằng cho phép Trung Quốc tham gia sâu hơn vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông đồng quan điểm với giới chức EU về ý muốn đạt mối quan hệ có đi có lại và tính đến yếu tố an ninh kinh tế giữa lúc EU chịu thâm hụt kỷ lục trong thương mại với Trung Quốc.
Trong khi ông Tập có thể cảm nhận được sức nóng từ lập trường cứng rắn của EU ở Pháp, thì sự chào đón sẽ nồng nhiệt hơn đang chờ đợi ở Serbia và Hungary vốn thiện cảm với Trung Quốc và cả Nga. Serbia, thành viên không thuộc EU, là người bạn thân thiết của Trung Quốc, trong khi Hungary nổi lên như trung tâm sản xuất quan trọng ở châu Âu của các doanh nghiệp ô-tô Trung Quốc và có thể giúp các công ty Trung Quốc tránh các mức thuế hiện có và sắp tới của EU.
“Những cây cầu nối” với châu Âu
EU vẫn xác định Trung Quốc “vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh có hệ thống”. Nếu điều đó có vẻ khó hiểu và mâu thuẫn, thì đó là vì khối này bị giằng xé giữa cân bằng cơ hội kinh tế ở Trung Quốc với rủi ro an ninh quốc gia, an ninh mạng và rủi ro kinh tế đối với các ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, chuyến thăm cho thấy ngay cả khi quan điểm trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc ở một số khu vực ở châu Âu, những nơi khác vẫn cởi mở chào đón Trung Quốc. Thực tế, việc chọn ba quốc gia để thăm, mà ở mức độ ít nhiều, tất cả đều tỏ ra nghi ngại trước trật tự dưới sự dẫn dắt của Mỹ và coi Trung Quốc là đối tác cần thiết, mong muốn củng cố quan hệ kinh tế.
Pháp tạo dựng danh tiếng là quốc gia có lập trường khá độc lập ở EU và sẵn sàng tạo một số khoảng cách với Mỹ. Tư tưởng này được thể hiện rõ khi Tổng thống Macron cố gắng xuôi theo ranh giới ổn định giữa hai siêu cường chính Mỹ-Trung, đồng thời kêu gọi chủ trương “EU tự chủ chiến lược”, độc lập về kinh tế và giảm phụ thuộc vào các cường quốc khác.
Trong khi đó, Trung và Đông Âu đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp Trung Quốc xoa dịu căng thăng thương mại với toàn châu Âu. Nước này tìm thấy một số quốc gia có cùng quan điểm ở đây cũng thách thức chiến lược địa chính trị hiện tại của Mỹ (và các đồng minh thân cận nhất) cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga. Theo đó, Serbia và Hungary là những mảnh ghép quan trọng trong tầm nhìn này. Cùng với Pháp, hai nước này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò cầu nối giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với châu Âu nói chung.
Global Time dẫn lời nhà nghiên cứu Sun Keqin tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng, xung đột ở Ukraine khiến châu Âu nhận ra sự phụ thuộc cao độ vào Mỹ và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này đã gây nguy hiểm cho chính sách Trung Quốc của châu Âu. Nếu châu Âu tiếp tục theo Mỹ nhìn Trung Quốc từ góc độ an ninh, ý thức hệ và có cách tiếp cận đối đầu thì sẽ không tránh khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là chương quan trọng trong tính toán chiến lược của Trung Quốc, tiếp tục thể hiện sự điều hướng khéo léo giữa lúc cân bằng mong manh giữa việc tích cực thúc đẩy các nhu cầu kinh tế và duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện, thậm chí củng cố tầm ảnh hưởng ở một số khu vực toàn cầu.
THƯ LÊ