Chế độ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến - như nhiều thịt ăn liền hay đồ uống có sử dụng chất làm ngọt nhân tạo - có mối quan hệ nhân quả với nguy cơ tử vong tăng cao.
Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Ảnh: Shutterstock |
Đây là kết luận chính rút ra từ nghiên cứu tiến hành trong 30 năm vừa công bố gần đây trên tạp chí y khoa danh tiếng British Medical Journal. Nghiên cứu nhận thấy việc tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến (ultra-processed food) có liên quan tới tỷ lệ tử vong cao hơn vì mọi nguyên nhân chứ không chỉ là ung thư và bệnh tim. Dù vậy mối quan hệ nhân - quả này có sự khác biệt giữa các loại thực phẩm siêu chế biến khác nhau, trong đó thực phẩm ăn liền được làm từ thịt, gia cầm, hải sản có mối liên hệ rõ rệt nhất với tỷ lệ tử vong tăng.
Rẻ, tiện lợi, nhưng…
Các loại thực phẩm tự nhiên như trái cây và rau củ quả tươi, ngũ cốc và protein nạc, đang phải cạnh tranh trực tiếp với các lựa chọn đồ ăn sẵn, thực phẩm siêu chế biến ngày càng có thêm nhiều lựa chọn phong phú. Bất kể sự tiện dụng và giá thành rẻ của thực phẩm ăn liền, các sản phẩm siêu chế biến bị giảm sút rất nhiều về hương vị cũng như dinh dưỡng sau khi được tinh chế từ những nguyên liệu tự nhiên giàu dưỡng chất để trở thành các món đồ ăn được thêm vào quá nhiều yếu tố nhân tạo.
Do thực phẩm siêu chế biến chỉ còn lại rất ít hoặc thậm chí không còn chút thực phẩm tự nhiên nào nên chúng thường không lành mạnh và chứa rất nhiều calo. Tuy nhiên, đây lại là loại thực phẩm mà hầu hết người dân ở các nước thu nhập cao đang ăn mỗi ngày, và ngày càng nhiều hơn những người ở các nước thu nhập trung bình sử dụng. CNN dẫn kết quả khảo sát nghiên cứu về sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Mỹ (NHANES) thực hiện năm 2018 cho thấy, lượng calo tiêu thụ mỗi ngày của người lớn và thanh-thiếu niên tiêu thụ mỗi ngày ở nước này lần lượt có 57% và 67% là từ thực phẩm siêu chế biến.
Theo website của chương trình truyền hình Good Morning America (Mỹ), các nhà nghiên cứu từ Trường sức khỏe cộng đồng TH Chan thuộc Đại học Harvard xem xét hồ sơ lưu trữ về chế độ ăn của hơn 100.000 nhân viên y tế tại Mỹ (74.563 nữ và 39.501 nam), sắp xếp các loại thực phẩm họ ăn thành 4 nhóm: không qua chế biến, chế biến rất ít, chế biến và siêu chế biến. Những người tham gia nghiên cứu không có tiền sử bệnh ung thư, tim mạch hay tiểu đường vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Cứ hai năm một lần, họ sẽ tự báo cáo thông tin cập nhật về các thói quen trong lối sống của mình thông qua các bảng hỏi. Sau hơn 30 năm theo dõi, có 30.188 phụ nữ và 18.005 nam giới qua đời.
Thận trọng với thịt ăn liền
Chủ trì nghiên cứu là Mingyang Song, Phó Giáo sư về miễn dịch lâm sàng và dinh dưỡng tại Trường sức khỏe cộng đồng TH Chan. CNN dẫn lời ông Song cho biết, không phải tất cả loại thực phẩm chế biến đều có những tác động như nhau. Chẳng hạn, các loại ngũ cốc nguyên hạt siêu chế biến không gây nguy cơ ở mức tương tự các loại thịt chế biến hay các loại thức ăn ngọt và đồ uống có đường.
Theo đó, nhóm thực phẩm siêu chế biến, nhất là ở những người thường xuyên ăn thịt ăn liền và hải sản ăn liền, nguy cơ tử vong tăng 4% sau 30 năm theo dõi sức khỏe. Đồ uống ngọt sử dụng đường hay chất làm ngọt nhân tạo, đồ ăn tráng miệng có nhiều bơ sữa, và thực phẩm trong bữa sáng là nhóm thực phẩm siêu chế biến khác cũng liên quan tới tỷ lệ tử vong tăng cao hơn trong khoảng thời gian theo dõi.
Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu thêm về các nguyên nhân cụ thể ở những trường hợp tử vong và nhận thấy việc tiêu thụ đồ ăn siêu chế biến cũng liên quan tới mức tăng 8% nguy cơ chết vì một dạng bệnh ở não như mất trí. Các loại nước xốt, món phủ/phết lên đồ ăn và các loại phụ gia cũng như snack và đồ tráng miệng ngọt cũng chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm thực phẩm siêu chế biến trong nghiên cứu. Tuy nhiên, không có loại nào trong số này có liên quan trực tiếp tới mức tăng nguy cơ tử vong.
Một vài lưu ý Dù vậy cũng cần lưu ý nghiên cứu này định nghĩa thực phẩm “siêu chế biến” dựa trên cơ sở dữ liệu về dinh dưỡng từ năm 2014, do đó những loại thực phẩm được nhắc tới trong nghiên cứu cụ thể này rất có thể đã thay đổi theo thời gian. Điều này có nghĩa chúng có thể được cải thiện ít nhiều, hoặc có thể còn tệ hơn nữa, do đó việc áp dụng các dữ liệu này với thực phẩm của năm 2024 cũng sẽ có những hạn chế nhất định và cần thận trọng trong đánh giá. Thêm nữa, nghiên cứu cũng chưa xem xét yếu tố nền tảng kinh tế xã hội khác nhau trong nhóm đối tượng nghiên cứu, trong khi đây là nhân tố quan trọng tác động quyết định lựa chọn tiêu thụ loại thực phẩm nào ở mỗi người. |
TRẦN ĐẮC LUÂN