"Cố đô" của Indonesia trước bước ngoặt mới

.

Jakarta vừa chào mừng sinh nhật lần thứ 497 ở thời khắc trở thành “cố đô” của Indonesia và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành siêu trung tâm kinh tế - tài chính có thể sánh ngang với các thành phố đẳng cấp toàn cầu như thành phố New York (Mỹ). 

Một góc thành phố Jakarta (Indonesia). Ảnh: Reuters
Một góc thành phố Jakarta (Indonesia). Ảnh: Reuters

Chính quyền Jakarta (Indonesia) đang chuẩn bị lộ trình dài hơi để duy trì vai trò động lực kinh tế của Jakarta ngay cả sau khi thành phố này mất vị thế thủ đô. Hội đồng đại diện nhân dân Indonesia (DPR) đã thông qua dự thảo Luật Đặc khu Jakarta (Luật DKJ), đồng nghĩa rằng Jakarta không còn là Tỉnh đặc khu Thủ đô Jakarta (DKI) mà trở thành Tỉnh đặc khu Jakarta (DKJ). Tuy nhiên, trên thực tế Jakarta sẽ chỉ mất vị thế thủ đô khi Tổng thống Joko Widodo ban hành sắc lệnh chính thức chỉ định Nusantara, siêu dự án trị giá 32 tỷ USD ở Đông Kalimantan, làm thủ đô mới.

Hướng đến vị thế thành phố toàn cầu

Theo ANTARA News, Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE) Indonesia cho biết, Quốc hội Indonesia chỉ định quy chế đặc biệt với Luật DKJ cho Jakarta để tạo động lực mạnh mẽ đưa Jakarta bứt phá trở thành trung tâm kinh tế và kinh doanh có thể cạnh tranh với thành phố New York (Mỹ) cũng như với các thành phố toàn cầu khác. Theo mục đích của Luật DKJ, Jakarta sẽ vẫn là trung tâm kinh tế của đất nước và là trung tâm toàn cầu về thương mại, dịch vụ, tài chính và kinh doanh.

Hiện tại, lộ trình chi tiết của Đạo luật Đặc khu Jakarta về kế hoạch phát triển dài hạn ở tất cả khía cạnh phát triển của thành phố trong 20 năm tới đang trong quá trình thiết kế và dự kiến  hoàn tất trong năm nay. CNA dẫn lời Tiến sĩ Sri Haryati, trợ lý kinh tế và tài chính cho Ban thư ký khu vực của chính quyền Jakarta, cho biết: “Chúng tôi có tầm nhìn để Jakarta trở thành thành phố toàn cầu phát triển mạnh, toàn diện, tiến bộ, có tính cạnh tranh toàn cầu và bền vững”.

Dù kinh tế Jakarta năm 2023 tăng trưởng tương đối chậm so với năm 2022 nhưng thành phố với hơn 10 triệu dân này vẫn là địa phương đóng góp lớn nhất với gần 17% cho kinh tế đất nước. Theo các chuyên gia, với giá trị lịch sử và tiềm năng to lớn, Jakarta xứng đáng được xếp vào là khu vực đặc biệt, được trao một số quyền và cơ quan đặc biệt để giải quyết những vấn đề còn tồn tại lâu nay và tạo động lực bứt phá hơn nữa.

Tháo gỡ những tồn đọng

Giới quan sát nhận định, chính quyền Jakarta hy vọng thành phố chật chội này có thể duy trì vai trò động lực hoặc thậm chí cải thiện đáng kể đóng góp vào kinh tế đất nước nhưng tầm nhìn có thể bị cản trở bởi nhiều trở ngại. Thực tế, trong nhiều năm qua, thành phố này vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo hàng loạt vấn đề “thâm căn cố đế” như ùn tắc giao thông, ô nhiễm, lũ lụt, thiếu nước sạch, nhà ở, quản lý chất thải kém. Vấn đề lớn khiến giới chức Jakarta “đau đầu” chính là tình trạng sụt lún và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu khiến tương lai của thành phố hiện tại đối mặt với nguy hiểm. Dự đoán, khoảng 95% Bắc Jakarta sẽ bị nhấn chìm một phần dưới nước vào năm 2050. Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng Luật DKJ sẽ trao cho chính quyền Jakarta toàn quyền quản lý hệ sinh thái ven biển trong khu vực, tiếp tục các kế hoạch xử lý tình trạng sụt lún.

Ở góc nhìn khác cũng phải thừa nhận rằng quyết định dời đô sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của Jakarta mà tác động được cảm nhận rõ rệt nhất là trong chi tiêu hộ gia đình và chi tiêu chính phủ, trong bối cảnh các ngành sử dụng nhiều lao động dự kiến rời khỏi thành phố và các thành phố vệ tinh khác, đồng thời mức tiêu dùng của hộ gia đình cũng dự kiến giảm do công chức và nhân viên lực lượng vũ trang được chuyển đến thủ đô mới.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn tự tin kỳ vọng, việc di dời thủ đô của Indonesia có thể được xem là cơ hội tốt để Jakarta sẽ giảm tải áp lực và được hồi sinh mạnh mẽ. Rõ ràng khi chính phủ quyết định “dời đô” đến Borneo, một số người dân ở Jakarta hoan nghênh quyết định này bởi họ cho rằng Jakarta sẽ chỉ mất vị thế là một thủ đô nhưng hóa ra đây sẽ là cơ hội giảm áp lực rất đáng kể để hồi sinh thành phố, xét về mật độ dân cư và ô nhiễm. “Chúng tôi có khẩu hiệu - Khôi phục Jakarta. Một trong những giải pháp là phát triển các quy định hỗ trợ lợi ích hệ sinh thái”, Syahroni Fadhil, quan chức vận động chính sách môi trường của WALHI Jakarta nói với CNA.        

Tăng tốc xây thủ đô mới Nusantara
Giới quan sát cho rằng dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara trị giá 32 tỷ USD đang được đẩy nhanh để bảo vệ di sản của Tổng thống Widodo trước khi ông rời nhiệm sở. Vùng đất rộng 2.560km2 nằm giữa khu rừng nhiệt đới ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo dự kiến trở thành trung tâm chính trị của Indonesia vào cuối năm 2024. Theo AP, đến nay, giai đoạn đầu tiên của dự án đầy tham vọng này đã hoàn thành hơn  80%. Lễ khánh thành thủ đô mới dự kiến diễn ra vào ngày 17-8, đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Indonesia. Tuy nhiên, phải đến năm 2045 dự án này mới hoàn thành toàn bộ theo kế hoạch, đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước. Nusantara được ví như tầm nhìn không tưởng về thành phố “xanh” có diện tích gấp 4 lần Jakarta. Đáng chú ý, Nusantara được kỳ vọng sẽ là “thành phố 10 phút”, nghĩa là di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác trong thành phố chỉ tốn 10 phút hoặc việc tiếp cận với các địa điểm dịch vụ công cộng, gồm phương tiện giao thông công cộng, cũng trong khoảng 10 phút đi bộ từ nơi sinh sống, qua đó hạn chế tình trạng sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.