Mạng lưới cáp đang trải rộng dưới đáy đại dương truyền tải số lượng lớn năng lượng tái tạo lớn đến các quốc gia trong quá trình chuyển đổi xanh, qua đó thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tua-bin tại trang trại gió Burbo Bank ngoài khơi bờ biển phía tây bắc nước Anh, gần New Brighton. Ảnh: AFP |
Thông qua các dự án liên kết năng lượng xuyên biên giới, các nước cũng đang tạo dựng những mối quan hệ mới nhằm tái định hình bản đồ địa chính trị toàn cầu và bắt đầu kéo cuộc năng lượng toàn cầu xuống dưới đáy đại dương.
Những dự án hợp tác xuyên quốc gia
Theo CNN, thông thường, hàng chục nhà máy điện ở bang New York (Mỹ) thường phải hoạt động hết công suất cùng lúc để đáp ứng nhu cầu của người dân, và chắc chắn hầu hết nguồn năng lượng đó vẫn đang được tạo ra từ khí đốt vốn đang “góp phần” làm nóng hành tinh. Dù New York đang cố gắng nhanh chóng phủ xanh lưới điện để làm chậm biến quá trình đổi khí hậu, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ năng lượng gió hoặc mặt trời để sản xuất điện. Chưa kể, bang này cũng chưa thể làm chủ hoàn toàn công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo trong thời gian dài. Trước thực tế này, giới chuyên gia năng lượng của New York đã tìm kiếm các giải pháp thu hút nguồn năng lượng cách xa hàng ngàn dặm.
Theo đó, họ lên kế hoạch phát triển hệ thống kết nối năng lượng dưới đại dương lớn nhất thế giới, nối châu Âu với Bắc Mỹ thông qua các cặp cáp điện áp cao trải dài hơn 2.000 dặm dưới đáy Đại Tây Dương, kết nối phía tây của Vương quốc Anh với phía đông Canada, cũng như New York với phía tây nước Pháp. Hệ thống này cũng truyền tải năng lượng tái tạo cho cả phía đông và phía tây nước Mỹ, tận dụng triệt để năng lượng mặt trời ban ngày ở bên kia Đại Tây Dương.
Theo Climate Action Tracker, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia vẫn chưa tuân thủ Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí hiệu ứng nhà kính, cáp dưới đáy đại dương sẽ là công cụ quan trọng để tăng tốc độ hấp thụ năng lượng tái tạo. Hiện tại, các tuyến cáp năng lượng tái tạo đã triển khai giữa nhiều quốc gia ở châu Âu, hầu hết là các nước láng giềng, đồng minh. Chẳng hạn, Vương quốc Anh, nơi quỹ đất dành cho các nhà máy điện bị hạn chế, kết nối mạng lưới cáp dưới đại dương với Bỉ, Na Uy, Hà Lan và Đan Mạch; đồng thời hợp tác với Maroc về năng lượng mặt trời và gió để tận dụng quãng thời gian dài có mặt trời và gió ở vùng xích đạo của quốc gia Bắc Phi này.
Những dự án tương tự cũng đang dần được hiện thực hóa trên phạm vi toàn cầu. Đơn cử, dự án Sun Cable chuyển năng lượng mặt trời từ nước Úc đầy nắng đến Singapore ở Đông Nam Á, nơi cũng cũng tràn ngập ánh nắng nhưng lại có không có quỹ đất dồi dào để phát triển các trang trại năng lượng mặt trời. Trong khi đó, Ấn Độ và Saudi Arabia cũng bắt tay liên kết lưới điện năng thông qua Biển Arab trong kế hoạch hành lang kinh tế rộng lớn hơn để kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Cuộc cạnh tranh thêm “nóng”
Dự án Hệ thống kết nối năng lượng xuyên Đại Tây Dương (NATO-L) kết nối Bắc Mỹ với Tây Âu thông qua đông Canada, Vương quốc Anh và Ireland với bộ cáp ngầm dưới biển có chiều dài 3.500km, đang ở giai đoạn đầu. CNN dẫn lời Laurent Segalen, người sáng lập công ty năng lượng tái tạo Megawatt-X tại London, cho biết, các tuyến cáp châu Âu-Mỹ có thể truyền 6 gigawatt năng lượng theo cả hai hướng với tốc độ ánh sáng. Điều đó tương đương với những gì tổng cộng 6 nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn có thể tạo ra, được truyền đi trong thời gian gần như thực.
Các nước tham gia kỳ vọng siêu dự án này không chỉ để làm chậm biến đổi khí hậu mà còn tăng khả năng cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong các cuộc chiến năng lượng toàn cầu và giành quyền thống trị trong công nghệ năng lượng sạch. Nga đã bác bỏ đồn đoán của phương Tây về khả năng lập bản đồ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển ảnh hưởng đến việc cung cấp điện năng của các nước châu Âu.
CNN dẫn lời Alberto Rizzi, thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, người nghiên cứu về địa chính trị về năng lượng và cơ sở hạ tầng, cho biết, trong nhiều thập niên, Nga đóng vai trò lớn trên trường thế giới nhờ nguồn tài nguyên than, dầu và khí đốt dồi dào. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi các đối thủ kinh tế như châu Âu và Mỹ, thậm chí các “ông lớn” dầu mỏ ở Trung Đông, không ngừng đầu tư vào năng lượng tái tạo. “Các nước vùng Vịnh đang chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ trong ngành năng lượng tái tạo bởi họ cũng muốn trở thành nhà cung cấp chính đối với năng lượng xanh, duy trì vai trò hiện tại là những cường quốc năng lượng, ngay cả trong quá trình chuyển đổi.”, ông Rizzi nói.
Theo giới chuyên gia, việc kết nối các đồng minh châu Âu rất đơn giản, nhiều nước trong số đó là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên. Các dự án liên kết Bắc Mỹ và châu Âu sẽ phức tạp hơn về mặt chính trị khi có thể gửi tín hiệu tới Nga về mối quan hệ bền chặt nhưng những năm cầm quyền của Trump trước đây cũng cho thấy quan hệ Mỹ-EU, đặc biệt là về vấn đề NATO và quốc phòng, không phải là không thể phá vỡ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới có thể tác động số phận các dự án năng lượng như NATO-L bởi Mỹ có thể tận dụng hệ thống cáp ngầm dưới biển mới để buộc châu Âu phải nhượng bộ trong các lĩnh vực khác.
THƯ LÊ