Đông Nam Á trước vấn nạn "rác lậu"

.

Đông Nam Á trở thành “bãi đáp” của rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới do vấn nạn “buôn lậu rác” tồn tại dai dẳng bất chấp những nỗ lực ngăn cấm thời gian qua.

Một bé gái đang chơi đùa trên đống rác thải nhựa bẩn trôi dạt vào bãi biển Labuan ở phía tây Java, Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia
Một bé gái đang chơi đùa trên đống rác thải nhựa bẩn trôi dạt vào bãi biển Labuan ở phía tây Java, Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia

“Bãi đáp” của rác từ châu Âu

Theo Nikkei Asia, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu cả rác thải nhựa và điện tử vào năm 2018, với lý do không thể tái chế, phần lớn rác nhập khẩu bị tuồn vào Đông Nam Á. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, mặc dù là nơi sinh sống của chưa đến 9% dân số thế giới nhưng các nước Đông Nam Á phải “nhận” 17% lượng rác thải nhựa nhập khẩu của thế giới từ năm 2017 đến năm 2021 với 100 triệu tấn chất thải kim loại, giấy và nhựa. Trớ trêu thay, các nước giàu vốn có quy định về môi trường nghiêm ngặt nhất lại là nhà xuất khẩu rác nhiều nhất sang các nước đang phát triển dưới danh nghĩa tái chế nhằm rũ bỏ trách nhiệm cũng như chi phí xử lý chất thải của chính mình có thể giúp tiết kiệm chi phí.

Theo Interpol, các tổ chức tội phạm vận chuyển trái phép chất thải đến Đông Nam Á, đi qua nhiều quốc gia quá cảnh để ngụy trang nguồn gốc của các lô hàng với việc sử dụng đáng kể các tài liệu giả mạo và lừa đảo. Các cơ sở tái chế nhựa bất hợp pháp nhanh chóng xuất hiện ở Malaysia khi một số nhà khai thác thành lập các nhà máy tái chế và bãi chứa chất thải trong các đồn điền dầu cọ để che giấu chúng, theo blog môi trường New Security Beat.   Báo cáo của Unwaste cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) hiện là khu vực xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng số và phần lớn chúng được vận chuyển sang Đông Nam Á.

Trong nhiều thập niên, tái chế nhựa đã qua sử dụng được quảng bá như giải pháp kinh doanh và quản lý chất thải ở các nước phát triển trong nỗ lực tạo ra cái gọi là nền kinh tế tuần hoàn, dựa vào tái sử dụng vật liệu để tăng cường tính bền vững. Tuy nhiên, các nhà phê bình hiện chỉ ra rằng, không giống như kim loại, nhựa không thể được tái chế vô thời hạn và phần lớn rác thải nhựa được nhập khẩu để phục vụ tái chế chỉ đơn giản là nhằm vứt bỏ, qua đó gây gánh nặng cho các quốc gia nhập khẩu nó. Hệ quả là hàng triệu tấn rác thải không thể xử lý được đã đổ về các nước đang phát triển vốn không thể tự quản lý rác thải của mình.

Nỗ lực ứng phó

Theo Nikkei Asia, trong nỗ lực giải nguy vấn nạn “rác lậu”, các nhà lập pháp châu Âu và quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gần đây nhất trí cấm xuất khẩu rác thải nhựa sang các quốc gia ngoài nhóm từ năm 2025. Bên cạnh đó, OECD đề cao trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - cách tiếp cận chính sách yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong toàn bộ vòng đời, kể cả với bao bì sau tiêu dùng. Chính sách này sử dụng cơ chế được thể chế hóa không chỉ để buộc các nhà xuất khẩu chất thải nhựa phải hạch toán hoạt động xuất khẩu của họ mà còn để theo dõi và đánh thuế họ. Đây là bước đi quan trọng, đúng hướng và đang thắt chặt hoạt động kinh doanh xuất khẩu nhựa sang các nước đang phát triển hoặc không thuộc OECD. Hơn nữa, công nghệ mới có thể có ích cho việc bảo vệ môi trường. DW dẫn lời chuyên gia Serena Favarin tại Đại học Cattolica del Sacro Cuore (Ý) đề xuất việc sử dụng máy bay không người lái hoặc hình ảnh vệ tinh giúp phát hiện lượng chất thải khổng lồ hoặc bãi rác bất hợp pháp.

Trong khi đó, theo Asia Sentinel,  Philippines và các nước Đông Nam Á khác cũng cấm một số loại túi nhựa và thay thế bằng giấy; đồng thời bắt đầu tính phí danh nghĩa đối với túi nhựa dùng một lần. Rõ ràng, đây là bước đi “cần” nhưng liệu đã “đủ” để ngăn chặn làn sóng nhựa đổ xô đến Đông Nam Á? Thực tế, những thách thức trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong khu vực có thể nằm ngoài phạm vi, thậm chí là sức tưởng tượng của một tổ chức quốc tế như OECD, hoặc của chính quyền quốc gia hoặc địa phương. Tuy nhiên, vẻ đẹp tự nhiên của châu Á và sức khỏe của người dân ở đây cũng như của phần còn lại của thế giới đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực hợp tác xuyên quốc gia. Theo giới chuyên gia, cần giải quyết vấn nạn này bằng cách tìm cách đưa ra các biện pháp kiểm soát mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thông qua các quy định và hình phạt cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn “rác lậu” vốn đang có chiều hướng gia tăng.

Dữ liệu về Philippines cho thấy sự chênh lệch đáng kinh ngạc về lượng rác thải nhựa được quản lý không hợp lý giữa Đông Nam Á và phương Tây. Theo Our World in Data, lượng rác thải tính trên đầu người ở Philippines từ năm 2019 là 37,23kg, cao nhất thế giới, so với mức 0,81kg mỗi người ở Mỹ. Nghịch lý là Philippines chỉ sản xuất 0,07kg rác thải nhựa mỗi người, ít hơn 5 lần so với Mỹ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.