Indonesia kỳ vọng làn sóng trí thức hồi hương

.

Chính phủ Indonesia đang xem xét cấp thẻ “Công dân hải ngoại” để thỏa mãn nhu cầu sở hữu hai quốc tịch của cộng đồng người Indonesia ở nước ngoài, qua đó tạo làn sóng hồi hương trong bối cảnh nước này đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân tài do chảy máu chất xám.

Hơn 7 triệu người gốc Indonesia đang sinh sống ở nước ngoài. Ảnh minh họa: CNA
Hơn 7 triệu người gốc Indonesia đang sinh sống ở nước ngoài. Ảnh minh họa: CNA

Thẻ “Công dân hải ngoại” là loại thị thực dài hạn và có nhiều lợi ích, ​​đáp ứng nhu cầu tự do thăm thân hoặc kinh doanh ở Indonesia. Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn bởi theo quy định hiện hành Indonesia không công nhận người trưởng thành có hai quốc tịch và trẻ em có hai hộ chiếu phải chọn một hộ chiếu và từ bỏ hộ chiếu còn lại khi đủ 18 tuổi.

“Nối gót” Ấn Độ

Theo CNA, bà Dewi Brewer (53 tuổi) sinh ra ở Padang và lớn lên ở Jakarta nhưng dành gần nửa cuộc đời ở nước ngoài khi trải qua hai thập niên ở Singapore trước khi chuyển đến Mỹ khoảng 7 năm trước. Chuyên gia tài chính này trở thành công dân Mỹ và hiện là nhân viên liên bang, song vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa và cội nguồn của mình. Với kế hoạch sống ở Indonesia sau khi nghỉ hưu, bà Brewer rất phấn khích trước thông tin Bộ trưởng Bộ Luật và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly gần đây đề cập nỗ lực của Chính phủ Indonesia thu hút công dân gốc Indonesia ở nước ngoài trở lại quê nhà, đồng thời cho phép họ giữ quốc tịch nước ngoài.

Theo CNA, trong chuyến thăm Mỹ tháng 5-2024, ông Yasonna cho biết, Chính phủ Indonesia đang cân nhắc thực hiện kế hoạch tương tự như Chương trình Công dân hải ngoại của Ấn Độ (OCI). Theo Times of India, thẻ OCI cấp cho những người Ấn Độ ở nước ngoài thị thực nhập cảnh nhiều lần và đa mục đích có thời hạn suốt đời để thăm và làm việc tại Ấn Độ, cùng với nhiều lợi ích khác. Cá nhân gốc Ấn Độ và vợ/chồng của họ có thể trở thành thường trú nhân của Ấn Độ, có quyền sống và làm việc ở đó vô thời hạn. Họ được xem xét như người Ấn Độ không cư trú (NRI) trong các lĩnh vực như tài chính, kinh tế và giáo dục nhưng không bao gồm việc sở hữu đất nông nghiệp hoặc đồn điền và cũng không có quyền chính trị và không thể nhận trợ cấp của Chính phủ. Những người có OCI cũng không đủ điều kiện đảm nhận công việc trong Chính phủ và phải đóng thuế thu nhập đối với số tiền kiếm được ở Ấn Độ cũng như phí dịch vụ công giống như người nước ngoài.

Theo CNA, Bộ trưởng Điều phối chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá lợi ích kinh tế, đầu tư của mô hình này, đồng thời sẽ tham vấn cộng đồng và đưa ra khuyến nghị với Tổng thống Joko Widodo. Mô hình này có thể được thông qua trong hai tháng tới, trước khi ông Widodo chuyển giao quyền lãnh đạo cho ông Prabowo Subianto vào tháng 10-2024. Giới phân tích cho rằng, trọng tâm ban đầu của kế hoạch này có thể là giảm bớt thủ tục phức tạp trong việc nhập cảnh vào Indonesia, cho phép du lịch miễn thị thực cho cộng đồng người Indonesia ở nước ngoài được ở lại lâu hơn một tháng - khoảng thời gian mà người có thị thực nhập cảnh một lần có thể ở lại trong nước để du lịch, hội họp, kinh doanh, mua hàng hóa hoặc quá cảnh.

Vẫn còn rào cản phía trước

Indonesia và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á đang thu hút đầu tư khi các công ty lớn tìm cách đa dạng hóa hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Mô hình hai quốc tịch này được đề cập vào tháng 4-2024 khi các ông lớn công nghệ như CEO Apple Tim Cook và CEO Microsoft Satya Nadella đến thăm Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ông Cook cho biết Apple đang xem xét mở rộng sản xuất tại nước này, trong khi ông Nadella cho biết Microsoft dự tính đầu tư 1,7 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) mới ở đó.

Kế hoạch nói trên đón nhận sự hưởng ứng từ cộng đồng người Indonesia ở nước ngoài. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nước này cần cung cấp cơ hội việc làm, cơ sở hạ tầng và ưu đãi tốt hơn để thu hút nhiều công dân quay trở lại và ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”.

CNA dẫn lời các chuyên gia cho rằng, việc làm đòi hỏi tay nghề cao không có nhiều ở Indonesia trong khi cơ sở hạ tầng cũng còn hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt các ngành liên quan công nghệ, sinh học và hóa học. Rõ ràng, có rất ít cơ hội để giới khoa học phát triển ở Indonesia với cơ sở vật chất hiện có. Do đó, Indonesia có thể xem xét học theo các quốc gia với các chương trình nhắm vào những người có kỹ năng cụ thể. Chẳng hạn, với các ưu đãi về lương rất lớn, “Kế hoạch Hàng ngàn nhân tài” của Trung Quốc gặt hái kết quả khả quan khi thu hút 7.000 người nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu người Trung Quốc ở nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương.

Điều đáng chú ý là người dân Indonesia hiện kêu gọi giới chức nước này cần có các quy định liên quan đến việc sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản đối với người hồi hương. Những người này có thể kinh doanh nhưng không được phép có quyền sở hữu đất đai theo luật hiện hành.

CNA dẫn dữ liệu của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, hơn 7 triệu người Indonesia sống ở nước ngoài, hầu hết ở Malaysia, Hà Lan, Saudi Arabia, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore do tìm thấy cơ hội giáo dục và việc làm, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hằng năm, có khoảng 1.000 người Indonesia nhập tịch Singapore và hầu hết trong số họ ở độ tuổi 25 đến 35.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.