Thay vì giảm tốc, kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn ổn định nhờ trao đổi thương mại với Nam bán cầu (nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á).
Nikkei Asia dẫn lời Denis Depoux, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Roland Berger của Đức, cho biết nền kinh tế số hai thế giới đang trên đà phát triển ổn định nhờ đầu tư và thương mại với Nam bán cầu tăng trưởng nhanh. Chuyên gia này cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đạt gần 5%. “Về cơ bản, khi bạn nhìn vào tốc độ tăng trưởng thương mại của Trung Quốc, nó ở mức hai chữ số với hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu”, ông Depoux nói. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ hay Nhật Bản, nhưng phụ thuộc nhiều hơn vào các nước khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và Nga.
Ngoài ra, dòng chảy đầu tư từ Trung Quốc vào Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh mẽ. Một nguyên nhân là các công ty Trung Quốc đặt hoạt động sản xuất ở nước ngoài để tiếp cận các thị trường mới hoặc tranh thủ chi phí nhân công thấp. Điển hình, Trung Quốc cũng đang nổi lên là nguồn đổi mới về công nghệ. Có thể nói trong lĩnh vực xe điện hay một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác, Trung Quốc có thể đã vượt mặt Mỹ và châu Âu. Đáng chú ý, du lịch đang ngày càng nổi lên như một ngành trụ cột chiến lược ở Trung Quốc, đóng vai trò là tâm điểm cho sự phát triển chất lượng cao của đất nước này. Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 4,89 tỷ chuyến du lịch nội địa, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 93,3% so với năm trước đó. Hơn thế nữa, du khách nội địa của Trung Quốc chi hơn 4.910 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 691 tỷ USD) trong suốt cả năm 2023, phản ánh mức tăng đáng chú ý là 140,3% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt với một số “cơn gió ngược”. Ông Depoux đề cập đến sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản cũng như tiêu dùng yếu do những lo ngại về tình trạng xã hội già hóa. Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo những hậu quả cho tăng trưởng toàn cầu khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. Tập đoàn Roland Berger ước tính, cuộc chiến thương mại mới gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 4% tổng GDP vào năm 2023, trong khi Trung Quốc sẽ bị thiệt hại 10%. Tuy nhiên, theo ông Depoux, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, hầu hết các công ty vẫn không rời khỏi thị trường Trung Quốc bởi chỉ riêng nước này vẫn chiếm tới gần 30% sản lượng sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, theo China Daily, các nhà phân tích cho biết, kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định trong quý 2-2024 nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu phục hồi ổn định. Trung Quốc đang đi đúng hướng trong việc giải quyết các vấn đề cơ cấu như khủng hoảng tài sản. Nhận định này được đưa ra sau khi dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17-6 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì phục hồi trong quý 1-2024 và đang trên đà vững chắc để đạt mức tăng trưởng GDP dự kiến 5% năm 2024. Mức tăng trưởng 3,7% trong doanh số bán lẻ của tháng 5-2024, so với mức 2,3% được ghi nhận trong tháng 4-2024, là kết quả kết hợp của tiêu dùng trong kỳ nghỉ cũng như sự phục hồi dần dần của thị trường tiêu dùng sôi động được hỗ trợ bởi chính sách của Chính phủ. “Trong tương lai, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi với những đổi mới giúp tạo thêm động lực, nâng cấp công nghiệp đang diễn ra, nhu cầu trong nước phục hồi dần dần và chính sách kích thích mạnh mẽ”, bà Liu Aihua, phát ngôn viên của NBS, nói với China Daily.
NGHI VĂN