Mỹ cấm phần mềm chống virus nổi tiếng của Nga

.

Với cáo buộc cho rằng ảnh hưởng của Nga với Công ty phần mềm Kaspersky tiềm ẩn nguy cơ đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ, ngày 20-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thông báo, nước này sẽ cấm phần mềm chống virus nổi tiếng của Kaspersky.

Logo Kaspersky được hiển thị trên màn hình lớn tại thủ đô Moscow (Nga).  Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images
Logo Kaspersky được hiển thị trên màn hình lớn tại thủ đô Moscow (Nga). Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Với quyết định này, khoảng thời gian còn có thể hoạt động tại Mỹ của hãng phần mềm bảo mật của Nga Kaspersky sẽ chỉ còn khoảng vài chục ngày nữa.

Đòn nặng với Kaspersky

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 20-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo chia sẻ lý do cấm là vì ảnh hưởng của Nga với Công ty phần mềm Kaspersky được phát hiện là tiềm ẩn nguy cơ lớn. Giới chức Mỹ lo ngại việc phần mềm chống virus của Kaspersky được cấp quyền truy cập vào các hệ thống máy tính có thể khiến nó tiếp cận các thông tin nhạy cảm, hoặc cài đặt phần mềm mã độc cũng như từ chối cung cấp các bản cập nhật thiết yếu.      

Bà Raimondo cho biết, Mỹ nghi ngại Nga có thể khai thác các công ty của Nga như Kaspersky để thu thập và “vũ khí hóa” thông tin cá nhân của người Mỹ. Bà cũng nói lệnh cấm mới với phạm vi tác động lớn, cộng thêm việc đưa 3 chi nhánh của Kaspersky vào danh sách hạn chế thương mại của Mỹ, sẽ giáng đòn lên uy tín của Kaspersky và có thể ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của công ty này ở nước ngoài.

Trước mắt Kaspersky sẽ không được bán hàng cho các khách hàng mới tại Mỹ kể từ ngày 20-7. Ngay cả những sản phẩm có tích hợp phần mềm chống virus của Kaspersky trong một phần mềm khác và đang được bán với thương hiệu sản phẩm khác cũng sẽ bị cấm theo quy định mới. Họ cũng chỉ được phép cung cấp bản cập nhật phần mềm cho khách hàng hiện hữu tới ngày 29-9, tức là 100 ngày sau khi chính quyền có thông báo để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Sau thời điểm này, các lệnh cấm mới với Kaspersky tại Mỹ (gồm lệnh cấm tải các bản cập nhật phần mềm, bán lại hay cấp phép sản phẩm) sẽ chính thức có hiệu lực.

Công ty Kaspersky và Đại sứ quán Nga tại Mỹ hiện chưa có phản hồi về kế hoạch lệnh cấm nói trên. Tuy nhiên trước đây Kaspersky đã khẳng định họ là một công ty được quản lý tư nhân và không có mối liên hệ nào với Chính phủ Nga. Theo luật pháp của Mỹ, Kaspersky Lab có thể kháng cáo quyết định ban đầu về việc cấm sử dụng các sản phẩm của mình, hoặc đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ nhằm giảm thiểu những lo ngại về an ninh trước khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định nào.

Lý do sâu xa là Ukraine?

Những động thái mới nhất nhắm vào Kaspersky cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ có thể bị Nga tấn công mạng thông qua phần mềm Kaspersky. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng là ý đồ của Mỹ muốn siết chặt thêm nữa vòng vây kinh tế với Nga trong bối cảnh các lực lượng Nga đang giành được những bước tiến tích cực tại Ukraine, trong khi Mỹ gần như cạn kiệt “ý tưởng” cho các lệnh trừng phạt mới mà họ có thể áp đặt lên Nga.

Thực tế, sức ép với hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Kaspersky tăng lên đáng kể sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Bộ thương mại Mỹ đẩy nhanh cuộc điều tra về bảo mật với phần mềm của Kaspersky và theo Reuters, kết quả cuộc điều tra đó đã dẫn tới quyết định cấm công bố ngày 20-6.

Những lập luận mang tính cáo buộc trong lý do mà giới chức Mỹ đưa ra để giải thích cho lệnh cấm với phần mềm chống virus của Kaspersky làm người ta liên tưởng ngay tới những thông báo trước đó của chính giới Mỹ khi đưa ra lệnh cấm với các thiết bị viễn thông 5G của Huawei hay mạng xã hội TikTok của Trung Quốc. Động thái với Kaspersky cho thấy chính quyền của ông Biden đang khai thác cơ sở pháp lý có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump cho phép họ có thể cấm hoặc hạn chế giao dịch giữa các công ty của Mỹ với các công ty công nghệ, viễn thông và internet đến từ các quốc gia như Nga và Trung Quốc.

Kaspersky phục vụ khách hàng tại 200 quốc gia
Được thành lập tại Moscow năm 1997, Kaspersky phát triển thành một trong những công ty phần mềm diệt virus thành công nhất thế giới cùng với các đối thủ Mỹ như McAfee và Symantec. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky nổi tiếng với việc phân tích  hoạt động tấn công mạng của các chính phủ, cũng như mối đe dọa tội phạm mạng ảnh hưởng người dùng hàng ngày. Công ty Kaspersky có một công ty cổ phần ở Anh và các hoạt động kinh doanh tại bang Massachusetts (Mỹ). Trong hồ sơ doanh nghiệp, năm 2022, công ty này đạt doanh thu 752 triệu USD từ hơn 220.000 khách hàng doanh nghiệp tại khoảng 200 quốc gia. Trong số những khách hàng lớn của họ có nhà sản xuất xe Piaggio của Ý, bộ phận bán lẻ của hãng Volkswagen tại Tây Ban Nha và Ủy ban Olympic Qatar.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.