Khi xung đột Israel - Hamas kéo dài sang tháng thứ 8 với viễn cảnh chưa có gì chắc chắn, bản đề xuất ngừng bắn ba giai đoạn của Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng như lối thoát tiềm năng nhưng mọi chuyện có lẽ không đơn giản như thế.
Người dân Palestine nhận thực phẩm cứu trợ ở Rafah, dải Gaza. Ảnh: Anadolu |
Ngày 2-6, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói với đài ABC rằng Mỹ có mọi kỳ vọng là Israel sẽ chấp nhận đề xuất ngừng bắn ở Gaza do ông Biden đề xuất nếu Hamas thực hiện thỏa thuận này. Mỹ hy vọng, trong giai đoạn ngừng bắn 6 tuần đầu tiên của giai đoạn 1, hai bên sẽ ngồi lại với nhau và cố gắng đàm phán xem giai đoạn hai sẽ như thế nào và khi nào thì nó có thể bắt đầu.
Israel muốn kịch bản khác
Ngay sau thông tin về bản đề xuất ngừng bắn của ông Biden được phát đi, phản hồi từ Hamas cho rằng họ nhận thấy kế hoạch đó tích cực và sẵn sàng thúc đẩy điều đó chỉ dựa trên lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và việc rút hoàn toàn lực lượng Israel khỏi Gaza. Tuy nhiên, những tiếng nói phản đối phát đi từ một số thành viên trong chính phủ Israel lại cho thấy tiến trình thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể chưa thực sự suôn sẻ như kỳ vọng của Mỹ.
Cuối tuần trước, một trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, nước này đã chấp nhận thỏa thuận khung nhằm kết thúc chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Gaza, nhưng cũng nhấn mạnh đề xuất mà ông Biden đưa ra không phải là thỏa thuận tốt và còn có rất nhiều chi tiết cần được giải quyết.
Kế đó, những phản hồi mới nhất từ Israel cho thấy nước này vẫn muốn những tính toán khác cho kịch bản hậu chiến ở Gaza. Cùng với tuyên bố nhấn mạnh rằng “chúng tôi sẽ không chấp nhận việc Hamas sẽ là lực lượng nắm quyền kiểm soát Gaza trong bất cứ giai đoạn nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng cho biết, Israel đang xem xét một cơ quan quản lý địa phương cho Gaza, nhưng dĩ nhiên đó không phải của Hamas.
Tuy nhiên cách tiếp cận vấn đề theo quan điểm người Palestine tự xây dựng chính quyền mà không dựa vào Hamas mà ông Gallan nêu ra thực tế không mới. Nó đã từng được Israel thử nghiệm trước đây vào thập niên 1970 và 1980 khi cố dựng lên các “liên đoàn làng”, trao quyền cho các lãnh đạo địa phương của người Palestine nhưng thất bại. Lý do thất bại thì không có gì khó hiểu, đúng như ông Michael Milshtein, một người Israel chuyên phân tích về các vấn đề Palestine tại Đại học Tel Aviv, cũng là cựu sĩ quan tình báo trong quân đội, nói với AP: “Tôi vẫn chưa nghe nói tới một lực lượng nào tại địa phương đủ dũng cảm để thể hiện họ như là một sự thay thế cho Hamas”. Do đó, nếu Israel vẫn khăng khăng quan điểm này, chắc chắn đó sẽ lại là “hòn đá tảng” khác cho nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn và tái thiết hòa bình ở Gaza mà các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện.
Lựa chọn khó khăn của ông Netanyahu
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Netanyahu đang mắc kẹt ở thế lưỡng nan: Một bên là những người Israel muốn ông chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn mà ông Biden đề xuất và một bên là những đồng minh cực hữu đe dọa sẽ làm sụp đổ chính phủ của ông nếu ông chấp nhận làm vậy.
Trong nhiều tháng qua, ông Netanyahu từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể để chấm dứt xung đột với Hamas, điều mà những người chỉ trích coi là chiến thuật chính trị. Nhưng ông bị đặt vào tình thế khó khăn khi ông Biden đưa ra đề xuất đình chiến. Giờ đây, ông đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa sự sống còn của chính phủ cứng rắn của mình và việc đưa các con tin bị giam giữ ở Gaza về nước trong khi phải đặt bản thân và Israel vào lộ trình mới nhằm thoát khỏi sự cô lập quốc tế ngày càng tăng.
Trong khi đó, Mỹ vẫn gây sức ép với Israel về bản đề xuất do ông Biden đưa ra cuối tuần qua cùng với thông điệp “đã đến lúc chấm dứt xung đột”. Trong đó, giai đoạn đầu của thỏa thuận sẽ kéo dài 6 tuần và gồm “lệnh ngừng bắn toàn diện và hoàn toàn”, Israel rút lực lượng ra khỏi các khu vực đông dân cư tại Gaza, và phóng thích một số lượng các con tin (bao gồm phụ nữ, người già và người bị thương) để trao đổi với việc phóng thích hàng trăm tù nhân người Palestine. Cũng theo đề xuất đó, giai đoạn 2 là phóng thích toàn bộ các con tin cũng như rút lui hoàn toàn lực lượng Israel, và giai đoạn 3 là tái thiết Gaza. Dù vậy, chính ông Biden cũng phải thừa nhận để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận sẽ cần thêm nhiều đàm phán nữa.
Theo Cơ quan y tế tại Gaza, chiến dịch phản công của Israel để trả đũa cuộc tấn công của Hamas đến nay đã làm hơn 36.430 người Palestine thiệt mạng. Khoảng 75% trong tổng số 2,3 triệu dân ở Gaza phải sơ tán và đang nương náu trong khu cư trú tạm thời với điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Với rất nhiều khu vực bị bom đạn tàn phá, Liên Hợp Quốc cảnh báo về nạn đói toàn diện sắp xảy ra ở Gaza. |
TRẦN ĐẮC LUÂN