NASA chạy đua giải cứu 2 phi hành gia bị mắc kẹt

.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang đối mặt với thách thức cực kỳ lớn khi phải chạy đua giải cứu hai phi hành gia từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trở lại trái đất trong bối cảnh tàu vũ trụ Starliner của Boeing liên tục gặp sự cố khiến kế hoạch bị trì hoãn nhiều lần.

Sau nhiều năm bị trì hoãn và vượt ngân sách phát triển, trong tháng này, Starliner đạt được dấu mốc thành tựu đỉnh cao khi đưa 2 phi hành gia NASA là Suni Williams và Butch Wilmore lên ISS vào ngày 6-6. Tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi chặng đường về của hai phi hành gia này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Các phương án đặt ra

Theo Reuters, việc đưa hai phi hành gia NASA quay trở lại trái đất đã bị hoãn 3 lần kể từ khi hai nhà du hành vũ trụ đặt chân lên ISS. Kể từ khi khởi hành vào ngày 5-6, tàu vũ trụ Starliner bị rò rỉ khí heli 5 lần, 5 động cơ đẩy bị hỏng và một van đẩy không đóng hoàn toàn, khiến phi hành đoàn và những người quản lý từ dưới mặt đất phải dành nhiều thời gian hơn dự kiến để sửa chữa. Giám đốc phi hành đoàn thương mại NASA Steve Stich cho biết, Starliner có thể đỗ tại ISS trong tối đa 45 ngày. Nhưng trong trường hợp có thêm vấn đề phát sinh mà tàu không thể khắc phục kịp thời, thời gian ở lại có thể kéo dài lên 72 ngày, phụ thuộc vào nhiều hệ thống dự phòng khác nhau. Nguồn tin nội bộ của NASA tiết lộ ngày trở lại dự kiến mới nhất của Starliner vào ngày 6-7. Nếu kế hoạch thành công, thời gian cho nhiệm vụ lần này của Starliner sẽ là một tháng, thay vì 8 ngày như ban đầu.

Hiện, các kỹ sư cũng như phi hành đoàn đang tập trung chuẩn bị hệ thống đẩy của Starliner vốn được cho là rất quan trọng và cần thiết để đưa tàu ra khỏi ISS và định hướng tàu lao qua bầu khí quyển trái đất. Một bộ dù và túi khí sẽ giúp tàu vũ trụ hạ cánh tại một địa điểm ở tây nam nước Mỹ. Nhiều bộ đẩy của Starliner đã trở nên quá nóng khi phóng bắn và sự cố rò rỉ khí heli có liên quan đến tần suất sử dụng chúng. Tuy nhiên, NASA vẫn tin về khả năng Starliner đưa các phi hành gia trở lại an toàn. Các chuyên gia của NASA và Boeing đang xem xét kỹ lưỡng để đưa ra cách khắc phục. Ngay cả khi có các vấn đề về hệ thống động cơ đẩy, NASA cho biết Starliner vẫn có khả năng đưa các phi hành gia trở lại trái đất. Trong trường hợp khẩn cấp như một bộ phận của Starliner gặp hỏng hóc, khoang ngồi của phi hành gia sẽ đóng vai trò là phương tiện thoát hiểm. Trong trường hợp không khả quan, khi Starliner không có khả năng đưa hai phi hành gia trở về an toàn, thì họ sẽ được đưa về về nhà bằng tàu Crew Dragon, từng đưa 4 phi hành gia lên ISS vào tháng 3-2024 và quay trở lại an toàn.

Thất bại liên tiếp

Theo ông Stich, việc các phi hành gia bị kéo dài thời gian lưu trú trên ISS trong nhiều ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, việc hai nhà phi hành bị “mắc kẹt” lần này gây ra bất lợi cho Boeing, đặc biệt là khi công ty này đang đối mặt với vấn đề về chất lượng sản xuất trong ngành hàng không thương mại.

Theo CNN, năm 2014, NASA hợp tác với Boeing và SpaceX - công ty của tỷ phú Elon Musk - để vận chuyển các phi hành gia và hàng hóa lên ISS. Năm 2020, Tàu Crew Dragon của SpaceX hoàn thành đưa tàu vũ trụ có phi hành đoàn lên ISS an toàn và SpaceX làm nhiệm vụ vận chuyển vào không gian cho NASA kể từ đó. Trong khi đó, chương trình phát triển Starliner của Boeing liên tục gặp các vấn đề. Phương tiện này phải đối mặt với nhiều năm trì hoãn, thất bại và các chi phí phát sinh khiến công ty thiệt hại hơn 1 tỷ USD. Nhiệm vụ thử nghiệm Starliner đầu tiên, bay mà không có phi hành đoàn vào cuối năm 2019, gặp nhiều sai sót trong quỹ đạo. Chuyến bay thử nghiệm không người lái thứ hai vào năm 2022 cũng phát hiện thêm vấn đề phần mềm và sự cố với bộ đẩy của xe. Lần phóng ngày 5-6 của Starliner là chuyến bay thử nghiệm có phi hành đoàn đầu tiên của Boeing nhằm chứng minh phương tiện này an toàn để tham gia hoạt động vận chuyển trong không gian. Nếu thành công, Starliner sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên do Mỹ sản xuất có thể hạ cánh xuống mặt đất thay vì giữa đại dương mênh mông.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.