Nga - EU và cuộc chiến truyền thông

.

Ngày 25-6, Nga công bố sẽ chặn tiếp cận với 81 kênh tin tức truyền thông của 25 nước châu Âu để đáp trả lệnh cấm trước đó do Liên minh châu Âu (EU) áp lên các kênh tin tức nhà nước của Nga.

Nga cho biết sẽ xem xét điều chỉnh lại các hạn chế nếu lệnh trừng phạt với các kênh truyền thông của họ được EU gỡ bỏ. Ảnh minh họa:  AP
Nga cho biết sẽ xem xét điều chỉnh lại các hạn chế nếu lệnh trừng phạt với các kênh truyền thông của họ được EU gỡ bỏ. Ảnh minh họa: AP

“Để phản ứng trước quyết định của Hội đồng EU vào ngày 17-5 về cấm mọi hoạt động phát tin của 3 cơ quan truyền thông Nga, có hiệu lực từ ngày 25-6, những hạn chế đáp trả sẽ được đưa ra với việc tiếp cận từ lãnh thổ Liên bang Nga với việc phát tin tức của một số cơ quan truyền thông thuộc các nước thành viên EU và những tổ chức truyền thông hoạt động trên toàn EU”, TASS dẫn thông cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga.

Theo TASS, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sở dĩ họ buộc phải đi đến quyết định như vậy là bởi các kênh tin tức truyền thông châu Âu đó đang phát tán một cách có hệ thống thông tin sai lệch về diễn biến cuộc xung đột tại Ukraine. Trong số 81 kênh tin tức châu Âu bị Nga “cấm cửa” có những tên tuổi lớn, trong đó dường như các hãng thông tấn báo chí của Pháp bị nhắm tới nhiều nhất khi nước này có tới 9 tổ chức bị liệt vào “danh sách đen”.

“Phía Nga đã nhiều lần và ở nhiều cấp độ khác nhau cảnh báo rằng hành vi quấy rối có động cơ chính trị đối với các nhà báo Nga và những lệnh cấm vô căn cứ với truyền thông Nga tại EU sẽ không được bỏ qua”, Al Jazeera dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-6. Nga cũng cáo buộc giới lãnh đạo EU đã làm leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thông tin và cho rằng lệnh cấm của Nga vừa đưa ra là sự đáp trả tương xứng.

Tháng 5-2024, EU công bố lệnh cấm với 4 cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, cáo buộc họ là những công cụ giúp thúc đẩy và ủng hộ chiến dịch quân sự đặc  biệt của Nga tại Ukraine. Khi đó, Nga lên án động thái của EU có động cơ chính trị và cho biết họ bị buộc phải áp dụng những biện pháp đáp trả tương ứng, phù hợp. Theo truyền thông Nga, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma quốc gia Nga lúc đó nói động thái của EU cho thấy phương Tây không muốn chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác và không công nhận tự do ngôn luận dù họ tỏ ra bảo vệ nó trước công chúng.

Với lệnh cấm vừa công bố, những người ở bên trong lãnh thổ Nga sẽ không thể tiếp cận các tài nguyên dữ liệu online của các hãng tin tức nằm trong “danh sách đen”. Nga cho biết sẽ xem xét điều chỉnh lại các hạn chế nếu lệnh trừng phạt với các kênh truyền thông của họ được EU gỡ bỏ. Thực tế, từ lâu Điện Kremlin đã cáo buộc Brussels có những động thái nhắm vào các nhà báo Nga đang làm việc tại EU. Tháng 3-2022, ngay sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine, EU cấm các hãng tin RT và Sputnik của Nga.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine xảy ra, truyền thông là mặt trận lớn mà phương Tây ra sức khai thác. Thực tế cho thấy rất nhiều thông tin không thể kiểm chứng về tình hình xung đột với những điều có lợi cho Ukraine lan truyền như bão trên các kênh tin tức và mạng xã hội của phương Tây (chủ yếu là các kênh tin tức bằng tiếng Anh). Spunik dẫn lời ông Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, cảnh báo có hàng triệu tin tức giả mạo về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên các mạng xã hội. Hãng tin này từng dẫn nhận định của Cơ quan quân sự Nga lưu ý rằng khi lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhiệm vụ càng thành công, thì số thông tin giả mạo và sai lệch hoàn toàn càng lớn, mức ngụy tạo càng trắng trợn.

EU thêm gói trừng phạt với Nga
Liên minh châu Âu có thể áp thêm hai gói trừng phạt nữa với Nga cho tới cuối năm nay, báo Izvestiva dẫn nguồn tin từ Nghị viện châu Âu cho biết. Theo đó, Ủy ban châu Âu xác nhận Brussels không có ý định chấm dứt chính sách trừng phạt với Nga. Ngày 24-6, EU phê chuẩn gói trừng phạt thứ 14, gồm hạn chế với việc truyền tải khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua các cảng châu Âu và  biện pháp chống lại hệ thống nhắn tin tài chính của Ngân hàng Nga (SPFS). Giới chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt mới này sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu LNG của Nga tới châu Âu, cũng như hoạt động SPFS. Tuy nhiên TASS lưu ý, các lệnh trừng phạt ngăn chặn SPFS có nghĩa sẽ loại Nga ra khỏi mọi hình thức thanh toán quốc tế. Từ quan điểm này, gói từng phạt mới nhất nhằm đưa ra biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty từ nước thứ ba.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.