Ngày 2-6, tàu đổ bộ Thường Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt trăng, bước ngoặt quan trọng có thể thúc đẩy khát vọng đưa phi hành gia lên Mặt trăng của nước này.
Theo Channel News Asia, Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2, tổ hợp tàu đổ bộ/cất cánh Thường Nga-6 hạ cánh thành công xuống khu vực chỉ định ở lưu vực Nam cực-Aiken (SPA) trên Mặt trăng. Đây là nỗ lực sử dụng robot thăm dò Mặt trăng phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay, với mục đích mang tính bước ngoặt trong việc đưa mẫu đất đá đầu tiên từ bán cầu tối của Mặt trăng về Trái đất, điều mà chưa có quốc gia nào đạt được. Đây cũng là sứ mệnh thành công thứ hai của Trung Quốc trên nửa tối của Mặt trăng. Trung Quốc lần đầu tiên hoàn thành kỳ tích lịch sử đó vào năm 2019 với tàu thăm dò Hằng Nga 4.
CNSA cho biết, nhiệm vụ liên quan nhiều cải tiến kỹ thuật, rủi ro cao và khó khăn lớn. “Hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng là rất khó khăn vì không có tầm nhìn liên lạc, phải dựa vào rất nhiều liên kết trong chuỗi để kiểm soát những gì đang diễn ra hoặc phải tự động hóa những gì đang diễn ra”, Neil Melville-Kenney, nhân viên kỹ thuật tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đơn vị phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề trọng tải của Thường Nga-6, cho biết.
Thường Nga-6 được phóng vào vũ trụ ngày 3-5, đến vùng lân cận của Mặt trăng khoảng một tuần sau đó và siết chặt quỹ đạo để chuẩn bị hạ cánh. Tàu đổ bộ sẽ khoan sâu xuống bề mặt và sử dụng robot cánh tay để lấy mẫu trực tiếp. Sử dụng xẻng và mũi khoan, tàu đổ bộ sẽ thu thập 2kg vật liệu Mặt trăng. Quá trình này được hoàn thành trong không quá hai ngày. Các mẫu sẽ được chuyển đến một tên lửa đẩy trên tàu đổ bộ, nó sẽ phóng trở lại vũ trụ, gắn với một tàu vũ trụ khác trên quỹ đạo Mặt trăng và quay trở lại Trái đất bằng cuộc hạ cánh xuống khu vực Nội Mông của Trung Quốc dự kiến ngày 25-6.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sứ mệnh này sẽ cung cấp cho Trung Quốc hồ sơ nguyên sơ về lịch sử 4,5 tỷ năm của Mặt trăng và mang lại manh mối mới về sự hình thành của hệ Mặt trời. Đây cũng sẽ là cơ sở để so sánh vùng tối của Mặt trăng với những gì chúng ta đã biết trước nay và hiểu rõ hơn về lịch sử Trái đất. Đồng thời được coi là cột mốc quan trọng trong nỗ lực trở thành cường quốc không gian của Trung Quốc. Các kế hoạch tiếp theo gồm đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030 và xây dựng cơ sở nghiên cứu ở cực nam Mặt trăng, khu vực được cho là có chứa nước đá.
Thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đang chú ý việc khai thác khoáng sản trên Mặt trăng để duy trì phi hành gia dài hạn và căn cứ trên hành tinh này trong thập niên tới. Chương trình Artemis của Mỹ dự kiến đưa phi hành đoàn hạ cánh lên Mặt trăng vào cuối năm 2026 hoặc muộn hơn. NASA hợp tác với các cơ quan vũ trụ của Canada, châu Âu và Nhật Bản, để phi hành gia của các nước này tham gia cùng phi hành đoàn của Mỹ trong thực hiện nhiệm vụ này.
Thường Nga-6 trở thành tàu thứ 3 của thế giới đáp xuống Trái đất trong năm nay, tiếp nối thành công của tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản tháng 1-2024 và tàu đổ bộ của công ty khởi nghiệp Mỹ Intuitive Machines tháng 2-2024. Đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất từng đưa người lên Mặt trăng vào năm 1969.
NGHI VĂN