Từ nhân viên rửa bát thành CEO công ty 2.000 tỷ USD

.

Ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) gần đây trở thành cái tên được nhắc đến nhiều trong giới công nghệ. Ông là CEO kiêm đồng sáng lập nhà sản xuất chip Nvidia với giá trị vốn hóa khoảng 2.000 tỷ USD.

Ông Jensen Huang, CEO Nvidia. Ảnh: Bloomberg
Ông Jensen Huang, CEO Nvidia. Ảnh: Bloomberg

Đi lên từ xuất phát điểm thấp

Cùng với những bước đi bứt phá trong ứng dụng AI vào bộ vi xử lý của Nvidia, tỷ phú Huang trở thành người giàu thứ 13 trên thế giới với số tài sản ròng hơn 100 tỷ USD. Trong một lần  trao đổi gần đây với Trường Kinh doanh sau đại học của Stanford, ông Huang nhắc lại khoảng thời gian khởi đầu sự nghiệp khi ông làm những công việc với mức lương tối thiểu là giai đoạn giúp ông phát triển đạo đức nghề nghiệp để sau này có được những thành công trên cương vị một CEO. “Không có việc gì là thấp kém với tôi... hãy nhớ rằng tôi đã từng là một người rửa bát”, Business Insider dẫn lời ông Huang. Ông đề cập đến công việc đầu tiên của mình tại nhà hàng Denny’s ở Mỹ, nơi ông vẫn gọi đùa là “trường cũ” của mình. “Tôi có lẽ là người rửa bát giỏi nhất của Denny’s... tôi đã rửa sạch mọi nỗi sợ hãi khỏi chồng bát đĩa”, ông hài hước nói.

Thực tế, cũng chính trong bữa ăn tại nhà hàng này, ông Huang nảy ra ý tưởng thành lập Nvidia cùng với những người đồng sáng lập Chris Malachowsky và Curtis Priem vào năm 1993. Ông trình bày ý tưởng đó với người chủ cũ là Wilfred Corrigan, Giám đốc điều hành lúc đó của LSI Logic. Người này đánh giá đó là “một trong những phần trình bày ý tưởng tồi tệ nhất mà ông ấy từng nghe”, CEO Nvidia nhớ lại. Dẫu vậy, ông Corrigan vẫn thuyết phục nhà sáng lập công ty Sequoia Capital, ông Don Valentine, đầu tư vào Nvidia vì nể trọng đạo đức nghề nghiệp của ông Huang. CEO Nvidia cho biết, khi là một nhân viên công ty ông cũng làm việc chăm chỉ như khi làm nhân viên vệ sinh trong quá khứ. “Tôi đã dọn dẹp nhiều nhà vệ sinh hơn tất cả các bạn ở đây cộng lại đó”, ông nói đùa với mọi người.

Cách quản lý độc đáo

Văn hóa quản lý theo dự án mà ông Huang áp dụng tại Nvidia là một trong những yếu tố tạo giúp hãng đạt vị thế như hiện nay. Financial Times  dẫn lời Rene Haas, CEO hãng chip ARM và từng là Phó Chủ tịch Nvidia, cho biết cách tổ chức nhân sự không theo kiểu truyền thống của Huang, tức là phân cấp từ trên xuống dưới tạo chìa khóa giúp Nvidia phát triển vượt bậc. Theo đó, Huang bố trí nhân sự xoay quanh các dự án, thay vì hệ thống phân cấp thông thường. Nhờ đó, ông ấy có thể tiếp cận bất kỳ cấp quản lý nào và nhận được câu trả lời trực tiếp. Đó là cách làm rất độc đáo. Dựa trên tính minh bạch và tốc độ, cách tiếp cận này giúp Nvidia “di chuyển” rất nhanh với mục đích rõ ràng.

Bên cạnh đó, trong nhiều chia sẻ với truyền thông, khi đề cập câu chuyện mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, CEO Nvidia cho rằng, các lãnh đạo nên gần gũi với nhân viên. Thay vì tự cô lập mình, ông cho rằng các CEO nên có nhiều cấp dưới trực tiếp nhất, bản thân ông có tới 50 người mà ông trực tiếp quản lý. Ông khuyến khích nhân viên ở mọi cấp độ chia sẻ phản hồi của họ và tìm đến ông khi cần giúp đỡ. Từ một người dọn dẹp nhà vệ sinh cho tới vị trí CEO của một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, ông Huang tin rằng, mọi người đều cần được trao cơ hội. Trả lời phỏng vấn The Transcript, CEO của Nvidia chia sẻ ông hiếm khi sa thải nhân viên, mà thường sẽ cố gắng để giúp họ cải thiện năng lực trình độ và hoàn thành công việc tốt hơn. Dù vậy ông cũng thừa nhận điều hành một doanh nghiệp chưa bao giờ là công việc dễ dàng bởi thực tế việc khởi nghiệp với Nvidia khó gấp triệu lần so với những gì ông hình dung. 

Lời khuyên hữu ích nhất cho sự nghiệp
Năm 2023, khi tham dự sự kiện do Hiệp hội chuyên gia bán dẫn người Mỹ gốc Trung Quốc, ông Huang chia sẻ câu chuyện bản thân đã nhận được những lời khuyên nghề nghiệp tốt nhất như thế nào từ một người làm vườn lớn tuổi. Theo Fortune, ông gặp người này tại ngôi đền ở Kyoto (Nhật Bản), nơi lưu trữ bộ sưu tập rêu phong phú nhất thế giới. Bên trong ngôi đền có một ông lão đang ngồi xổm làm việc trên rêu. Nhận thấy ông lão đang chăm chỉ làm việc với một chiếc nhíp tre và một chiếc giỏ tre bên trong có nhiều lắm là ba mảnh rêu nhỏ đã chết. Ông lão đang chăm sóc khu vườn mà ông đã gắn bó gần 30 năm. Nhìn vào các dụng cụ làm việc đơn sơ, vị CEO Nvidia thắc mắc vì sao ông lão có thể chăm sóc cả khu vườn rộng lớn như vậy chỉ với các dụng cụ nhỏ bé này. Ông lão nói rằng: “Hầu hết thời gian tôi chờ đợi mọi thứ đến với mình. Tôi hiếm khi theo đuổi mọi thứ”. Lời nói của người làm vườn có lẽ mang hàm ý nhắc đến nhà triết học Khai sáng người Pháp Voltaire, người có kiệt tác “Candide” đưa ra bài học rằng người ta phải tận tụy chăm sóc “khu vườn” của riêng mình và tìm thấy sự thỏa mãn thông qua công việc hiệu quả. Nhìn lại khoảng thời gian dài làm việc tại Nvidia và đặc tính của người làm vườn, ông Huang đưa ra lời khuyên cốt lõi: Nên tập trung vào hiện tại, hãy cống hiến hết mình, học hỏi mọi lúc, làm tốt nhất có thể, điều tốt đẹp sẽ đến.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.