Tuần giông tố trên chính trường Thái Lan

.

Tuần này, Thái Lan lần đầu tiên trải qua các vụ xét xử cùng lúc liên quan đến các chính trị gia quyền lực nhất đất nước, có khả năng định hình cục diện chính trị mới ở quốc gia Đông Nam Á này.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu trong một sự kiện tại Bangkok. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu trong một sự kiện tại Bangkok. Ảnh: Reuters

Reuters nêu rõ các vụ án xét xử trong ngày 18-6 liên quan đến đương kim Thủ tướng Srettha Thavisin, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đảng Tiến bước đối lập và các nghị sĩ Thượng viện.

Bốn vụ xét xử quan trọng

Theo Reuters, Tòa án Hiến pháp gộp 3 vụ án lại để xét xử trong ngày 18-6. Trước tiên là vụ xét xử có thể dẫn đến việc cách chức Thủ tướng Srettha Thavisin, người mới nhậm chức vào tháng 8-2023. Vụ việc này diễn ra sau khi nhóm 40 thượng nghị sĩ gửi đơn khiếu nại cho rằng ông Srettha đã vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm một cựu luật sư có tiền án làm Chánh Văn phòng Thủ tướng trong đợt cải tổ nội các gần đây. Nếu ông bị cách chức, chính phủ mới sẽ được thành lập và đảng Pheu Thai của ông sẽ cần chọn ra ứng cử viên mới cho vị trí Thủ tướng để Quốc hội bỏ phiếu.

Một vụ xét xử khác liên quan đến số phận của đảng Tiến bước, đảng đối lập chiếm 30% số ghế ở Hạ viện sau khi giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vào năm 2023. Tòa án Hiến pháp đang xem xét khiếu nại của Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) cáo buộc đảng này vi hiến vì chiến dịch bầu cử của họ kêu gọi cải cách Luật Khi quân. Tòa án sẽ công bố ngày xét xử hoặc tuyên án tiếp theo trong ngày 18-6. Nếu bị phát hiện vi phạm hiến pháp, đảng Tiến bước có thể bị giải tán và những người điều hành đảng này sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong một thập niên.

Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp cũng đưa ra phán quyết trong ngày 18-6 về quá trình bầu cử Thượng viện khóa mới gồm 200 thành viên, sau khi chấp nhận đơn khiếu nại về nghi vấn quá trình bầu chọn có hợp pháp hay không. Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh EC bắt đầu điều tra vụ dữ liệu cá nhân của hơn 20.000 người nộp đơn đăng ký tranh cử bị rò rỉ và lan truyền trên các nhóm chat trên ứng dụng Line. Hai ứng cử viên tranh cử Thượng viện đã đệ đơn yêu cầu EC xác minh quá trình những ứng cử viên đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu cấp quận, huyện vừa qua trong cuộc bầu cử Thượng viện. Nếu quá trình bầu cử lần này bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, điều này sẽ tạm thời kéo dài nhiệm kỳ của các nhà lập pháp do quân đội bổ nhiệm vốn đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập chính phủ.

Cùng ngày, ông Thaksin, cựu Thủ tướng đầy quyền lực bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006, đối mặt với phiên xét xử tại Tòa án Hình sự ở Bangkok với cáo buộc xúc phạm Hoàng gia và các tội danh khác liên quan cuộc phỏng vấn năm 2015. Luật Khi quân của Thái Lan, một trong những luật nghiêm khắc nhất thế giới, quy định mức án tù tối đa lên tới 15 năm cho mỗi hành vi xúc phạm Hoàng gia. Bangkok Times nhận định, vụ án phức tạp này có thể kéo dài nhiều năm. Ông Thaksin khẳng định mình vô tội và chỉ trích vụ án này không có giá trị. Cựu chính trị gia 74 tuổi trở về quê nhà vào tháng 8-2023 sau 15 năm sống lưu vong sau thỏa thuận với phe bảo hoàng.

Nguy cơ thêm bất ổn

Theo The Nation, các chuyên gia cảnh báo “cơn địa chấn” tiềm tàng trên chính trường Thái Lan do “hiệu ứng domino” từ 4 vụ xét xử. Mặc dù thoạt nhìn các vụ việc có vẻ không liên quan nhưng xét từ góc độ chính trị, chúng có mối liên hệ với nhau và là một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra. Chung quy các vụ kiện đều cho thấy cuộc giằng co quyết liệt trong nhiều thập niên giữa phe bảo hoàng được quân đội ủng hộ với các đảng dân túy như những đảng được ông Thaksin hậu thuẫn và đảng Tiến bước. Thực tế, 3 trong 4 vụ án đang chờ xét xử đều do các cá nhân thuộc khối quyền lực bảo thủ lâu đời này khởi xướng. Giới phân tích cho rằng, phán quyết trong các vụ kiện có thể cho thấy quyền lực sẽ dịch chuyển về Tướng Prawit Wongsuwan, đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Mục đích của phe bảo hoàng lúc này là nhằm đạt được “chiến thắng toàn diện” trên lĩnh vực chính trị và tạo đối trọng với chính phủ do đảng Pheu Thai dẫn dắt. 

ANZ Research đánh giá: “Những vụ kiện này càng làm nổi bật sự mong manh và phức tạp của môi trường chính trị Thái Lan. Về kinh tế, mối lo ngại trước mắt là nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình rối loạn và trì hoãn việc thực thi chính sách tài khóa”. Sự xuất hiện cùng lúc chưa từng có của bốn phiên tòa này đang gây ra sự lo lắng trong công chúng, đặc biệt là các nhà đầu tư. Đáng chú ý, “cơn thịnh nộ” của Tòa án Hiến pháp có thể coi là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Srettha trong bối cảnh ông nỗ lực khắc phục tình trạng trì trệ kinh tế. Theo Reuters, GDP của Thái Lan chỉ tăng 1,5% trong 3 tháng đầu năm, mức thấp nhất trong số các nước thành viên ASEAN. Nước này cũng đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ASEAN năm 2023, với 2,96 tỷ USD.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.