Vì sao hiệp ước Nga - Iran bất ngờ tạm đình chỉ?

.

Quan hệ Nga - Iran được xây dựng và củng cố trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới biến động phức tạp, đặc biệt khi cả hai nước này đều đang phải hứng chịu “bão trừng phạt” chưa từng có trong lịch sử đương đại từ Mỹ và các đồng minh phương Tây. Để vượt qua thách thức, Nga và Iran phát triển quan hệ chặt chẽ hơn trong những năm gần đây.

Tháng 3-2001, Nga và Iran ký thỏa thuận hợp tác 10 năm, sau đó gia hạn hai lần với mỗi lần 5 năm và mở rộng không chỉ về thời gian mà còn về phạm vi và quy mô, đặc biệt trong quốc phòng và năng lượng. Dựa trên nền tảng này, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào năm 2022, hai bên thống nhất xây dựng hiệp ước mới có tầm bao quát rộng lớn hơn. Hiệp ước với thời hạn 20 năm này được kỳ vọng mang tầm quan trọng chiến lược và đề ra định hướng cơ bản cho chiến lược phát triển quan hệ toàn diện song phương trong những thập niên tới. Đáng chú ý, trong lĩnh vực năng lượng, thỏa thuận mới sẽ trao cho Nga quyền khai thác đầu tiên ở khu vực biển Caspian thuộc chủ quyền của Iran, gồm cả mỏ Chalous có tiềm năng khổng lồ. Hiệp ước liên nhà nước mới mà Nga và Iran đang hướng tới sẽ bao trùm toàn bộ mối quan hệ nhiều mặt, đồng thời xác nhận tính chất chiến lược toàn diện của mối quan hệ đối tác giữa hai nhà nước. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã phê chuẩn khung thỏa thuận hợp tác toàn diện mới.

Tháng 12-2023, các thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu ký thỏa thuận thương mại tự do chính thức với Iran. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vĩnh viễn và thay thế hiệp ước tạm thời tương tự có hiệu lực kể từ năm 2019. Thỏa thuận mới sẽ loại bỏ thuế hải quan đối với gần 90% hàng hóa, đồng thời thiết lập chế độ ưu đãi cho hầu hết hoạt động thương mại giữa Nga và Iran.

Trong quá trình đàm phán về hiệp ước toàn diện mới giữa hai nước, tháng 4-2024, TASS dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Á II thuộc Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết, Nga và Iran đang hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng dự kiến sớm ký kết. Tuy nhiên, mới đây, xuất hiện thông tin việc bất ngờ tạm đình chỉ hiệp ước hợp tác mới toàn diện giữa Nga và Iran. Ngày 11-6, RIA dẫn ông Zamir Kabulov cho biết: “Đây là quyết định chiến lược của lãnh đạo hai nước. Quy trình này đã dừng lại do những vấn đề mà các đối tác Iran của chúng tôi gặp phải”. Trước động thái bất ngờ này, các nhà quan sát đều cho rằng, nền tảng để hình thành hiệp ước mới với Nga được khởi động bằng sự quyết tâm và nỗ lực từ cố Tổng thống Raisi, một người có đường lối cứng rắn và được coi là nhân vật kế nhiệm tiềm năng của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, nhưng đột ngột qua đời trong vụ tai nạn máy bay vào tháng 5-2024. Do đó, tiến trình để tiếp tục thúc đẩy hiệp ước mới với Nga buộc phải tạm dừng vì Iran đang chuẩn bị tìm người kế nhiệm ông Raisi. TASS dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov mới đây khẳng định: “Công việc này vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, trong giai đoạn Iran đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống, lịch trình sẽ bị dời lại một chút nhưng điều này không làm thay đổi cục diện chung”.

Theo giới quan sát, dù ai sắp trở thành Tổng thống Iran đi chăng nữa thì sự hợp tác song phương với Nga vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Iran cả trước mắt và lâu dài bởi cả hai đang phải đối diện với chính sách bao vây cấm vận khắc nghiệt của phương Tây. Mặt khác, lãnh đạo tối cao Khamenei đã phê chuẩn khung thỏa thuận hợp tác toàn diện mới với Nga. Ngược lại, sự hợp tác chặt chẽ giữa Iran với Nga, nhất là về chính trị, kinh tế và quân sự được ví như là “cái gai” trong mắt của Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra, Nga chuyển sang tăng cường quan hệ chính trị, thương mại và quân sự với Iran trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn, càng khiến Mỹ và Israel quan ngại.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.