Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024), một trong những sự kiện quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024, diễn ra tại Đại Liên (Trung Quốc) từ ngày 25 đến 27-6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”.
WEF Đại Liên 2024 diễn ra tại Đại Liên (Trung Quốc) từ ngày 25 đến 27-6. Ảnh: WEF |
Hướng đi cho động lực tăng trưởng mới
Cách đây đúng 6 tháng, tại Thụy Sĩ, hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF-54) tập trung thảo luận với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”. Tại đây, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến các nhân tố chính: thúc đẩy sự hợp tác với ưu tiên thảo luận tìm giải pháp cho những cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như đánh giá các cách thức xử lý những vấn đề mang tính cấu trúc gây chia rẽ ở các khu vực trên thế giới; tạo thêm nhiều việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới; vấn đề về ứng dụng và kiểm soát AI làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội; xây dựng chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.
Cho dù từ đó đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hóa giải các giải pháp tại WEF-54 đã và đang tạo tác động hữu hình, biến ý tưởng thành hành động dứt khoát và hiện thực hóa các giải pháp trong thế giới thực. Dựa trên nền tảng đó, để tiếp tục tiến trình thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển nhanh - bền vững, WEF Đại Liên 2024 tiếp tục tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới, phát huy vai trò của doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như chung tay ứng phó biến đổi khí hậu. Sự kiện này tập trung vào 6 chủ đề chính, gồm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; kết nối giữa khí hậu, thiên nhiên và năng lượng; các lĩnh vực tiên phong cho các ngành công nghiệp; Trung Quốc và thế giới; đầu tư vào con người.
Vai trò đầu tàu của châu Á
WEF Đại Liên 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đứng trước một số rủi ro do sự phân mảnh của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn. Tuy nhiên, điểm nổi bật được các nhà quan sát đặc biệt chú ý là khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) tiếp tục là điểm sáng năng động trong bức tranh kinh tế thế giới với kỳ vọng thúc đẩy 2/3 tổng tăng trưởng toàn cầu. Reuters dẫn lời ông Sheikh Tanjeb Islam, người đứng đầu nhóm biên tập tin tức về các hội nghị của WEF, cho biết châu Á sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc mở ra những biên giới mới cho sự tăng trưởng, thịnh vượng và hòa nhập cho mọi người. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức hơn 3% trong năm 2024 và 2025. Châu Á đóng vai trò quan trọng thúc đẩy 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Đáng chú ý, Trung Quốc dự kiến đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024 và vẫn là trung tâm của hợp tác toàn cầu về các vấn đề từ địa chính trị đến khủng hoảng khí hậu.
Đối với nước chủ nhà Trung Quốc, đây không chỉ là dịp thể hiện hình ảnh, uy tín quốc gia mà còn lan tỏa thông điệp xanh và bền vững. Theo chính quyền Đại Liên, địa điểm tổ chức chính sự kiện sẽ sử dụng 100% điện đến từ các nguồn “xanh”, hệ thống điều hòa không khí sử dụng nước biển làm mát để tiết kiệm điện hiệu quả; đồng thời 80% số phương tiện phục vụ sự kiện sẽ sử dụng năng lượng mới.
Các sự kiện của WEF nói chung, WEF Đại Liên nói riêng, thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật hàng đầu thế giới để nhanh chóng định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu, trong đó mục tiêu cấp thiết hiện nay của WEF là xây dựng lại niềm tin để hướng đến “những chân trời tăng trưởng mới” cho nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị WEF Đại Liên 2024 Từ ngày 24 đến 27-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab. Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự hội nghị trong hai năm liên tiếp; thể hiện WEF và Trung Quốc coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai. Thủ tướng sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể và chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho các vấn đề phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. TTXVN |
LÊ MINH HÙNG