Sự chuyển động địa chính trị toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng sau thập niên đầu của thế kỷ 21. Trong đó, Mỹ đã “xoay trục” sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với đó Nga cũng mở rộng không gian ảnh hưởng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tới việc hình thành Cộng đồng kinh tế Á- Âu (năm 2000), Liên minh Hải quan (năm 2007), cho đến năm 2015, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) hình thành. Với vai trò đầu tàu của Nga, những năm gần đây, từ mô hình “Liên kết Á-Âu” để hướng đến chiến lược “Đại Á-Âu” được xem là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga.
Trong bối cảnh xu hướng đa cực đang từng bước thắng thế, tại cuộc họp với các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga tháng 6-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin phác thảo những đường hướng quan trọng về chính sách ngoại giao, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống an ninh ở khu vực Á-Âu nhằm mở cửa cho tất cả các nước Á-Âu, kể cả các nước thành viên thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hướng đến xây dựng không gian “Đại Á-Âu” vì an ninh, thịnh vượng. Nga đang tăng cường phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh với các quốc gia hàng đầu trong châu Á-Thái Bình Dương, bảo đảm ổn định an ninh phía Đông, tạo môi trường thuận lợi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thiện chiến lược “Đại Á-Âu”, Nga đã và đang tập trung xây dựng quan hệ tích cực với Trung Quốc và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như nối lại đối thoại tích cực với Nhật Bản; đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với các nước châu Á, gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và gần đây là Triều Tiên... Với sự tích cực đó, Nga từng bước củng cố vị thế tại khu vực này.
Trong đó, Nga đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác thực chất với Hiệp hội các quốc Đông Nam Á (ASEAN). Ngay từ năm 2005, lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia), hai bên thông qua “Kế hoạch thúc đẩy hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2005-2015”. Năm 2011, Nga tham gia hội nghị cấp cao Đông Á (EAS); qua đó, quan hệ giữa Nga và nhiều nước thành viên ASEAN tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Đáng chú ý là, Nga ủng hộ tích cực xây dựng cấu trúc an ninh và tham gia các diễn đàn an ninh khu vực, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),...
Mới đây, ngày 23-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận sáng kiến của Tổng thống Putin về xây dựng cấu trúc an ninh Á-Âu khi tham dự các sự kiện trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Lào.
Trong bối cảnh hiện tại, sáng kiến của Tổng thống Putin nhằm định hình cấu trúc an ninh Á-Âu sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Nga coi ASEAN là khu vực phát triển năng động, điểm sáng đáng chú ý của thế giới, với nền tảng dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng tất cả các quốc gia và kết nối với nhau, là “đối tác tự nhiên” trong quá trình này. Việc mở rộng hợp tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á. Hai bên dự kiến tập trung mở rộng hợp tác thực tế, nhất là trong công nghệ cao, số hóa, năng lượng, hỗ trợ nhân đạo cùng với các nỗ lực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cũng như phát triển hợp tác hàng hải. Hai bên cũng có kế hoạch khởi động chương trình hành động mới kéo dài 5 năm trong giai đoạn 2026-2030.
Rõ ràng, với việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN sẽ tạo cho Nga nhiều cơ hội hợp tác, đồng thời tăng cường vị thế, ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia, các chính sách đối ngoại của Nga đi trúng vào những vấn đề thiết yếu của khu vực, sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể.
Chiến lược “Đại Á-Âu” đã có bước thành công đầu tiên và giờ đây cần thêm sự hợp lực và hiện thực hóa bằng kết quả cụ thể mà Nga đã dày công vun đắp trong hợp tác với EAEU; Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC); và điểm nhấn hiện nay là ASEAN... Là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, cùng với vị thế nền kinh tế hiện nay, Nga sẽ tiếp tục theo đuổi và hình thành nên một “Thế kỷ Á-Âu” trong tương lai gần.
LÊ MINH HÙNG