Ông Prabowo Subianto, Tổng thống đắc cử của Indonesia, đề xuất kế hoạch chi tiêu rộng lớn để thực hiện chương trình cung cấp bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh toàn quốc.
Ông Prabowo có ý định thực hiện chương trình này theo từng giai đoạn và dự tính chi khoảng 4,3 tỷ USD ngân sách cho kế hoạch này trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm.
Theo Nikkei Asia, ông Prabowo từng cam kết trước cuộc bầu cử hồi tháng 2-2024 rằng chính phủ sẽ cung cấp bữa trưa miễn phí và sữa cho tổng cộng 78,5 triệu học sinh thuộc khoảng 400.000 ngôi trường trên toàn lãnh thổ nhằm giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng và chậm phát triển ở trẻ em. Hiện, việc các trường chuẩn bị đồ ăn cho học sinh là điều hiếm thấy ở Indonesia. Hầu hết các em phải mua đồ ăn từ căng-tin trường hoặc của những người bán rong, một số em mang theo đồ ăn.
Tháng 4-2024, đích thân ông Prabowo thăm một trường trung học tại Bắc Kinh nhân chuyến công du tới Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm thực hiện chương trình bữa trưa học đường của nước này. Tài khoản Instagram của ông cho thấy ông tới khu căng-tin và trò chuyện với các học sinh ở đó. “Ông Prabowo tới Trung Quốc để xem cách triển khai chương trình bữa trưa học đường tại đó. Tôi nghĩ có nhiều nước để Indonesia có thể học hỏi việc thực thi chương trình này”, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto trả lời phỏng vấn Nikkei Asia tại Tokyo tháng 5-2024. Đến nay, đội ngũ giúp việc cho ông Prabowo ước tính chương trình bữa ăn trưa miễn phí sẽ tiêu tốn khoảng 450.000 tỷ rupiah (28 tỷ USD) mỗi năm. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết chính phủ sẽ dành ra khoản ngân sách 71.000 tỷ rupiah (4,3 tỷ USD) cho chương trình này trong năm 2025.
Theo Nikkei Asia, tháng 9-2024, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tổ chức đưa đoàn quan chức Indonesia tới thăm các trường học ở Tokyo và tỉnh Nagasaki để tìm hiểu thông tin liên quan kinh nghiệm tổ chức bữa ăn trưa học đường, cũng như chính sách về dinh dưỡng của Nhật Bản. JICA đang cân nhắc việc gửi chuyên gia của họ tới một tổ chức sẽ được thành lập tới đây nhằm điều hành chương trình bữa ăn trường học ở Indonesia. Hệ thống bữa trưa ở trường được thực hiện tại Nhật Bản từ năm 1889, giúp cải thiện dinh dưỡng cho học sinh và chống đói nghèo. Trong giờ ăn trưa, học sinh sẽ được học về kỹ năng ứng xử trong đời sống, hiểu về khẩu phần ăn, kỹ năng dọn dẹp, học về cách chọn lựa đồ ăn lành mạnh và thói quen ăn uống hữu ích theo suốt cuộc đời.
Theo khảo sát của Bộ giáo dục, Văn hóa, Thế thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, năm 2023, khoảng 99% các trường tiểu học ở Nhật có nấu bữa trưa cho học sinh. Các em phải đóng trung bình 4.688 yen (29 USD) mỗi tháng. Một số chính quyền địa phương tài trợ hoàn toàn chi phí bữa ăn này cho các em.
Theo Financial Times, ông Prabowo đang cân nhắc kế hoạch áp thuế chặt chẽ hơn, giảm bớt các chương trình tài trợ, có thể tăng thêm vay nợ và thậm chí cắt giảm ngân sách cho dự án xây dựng thủ đô mới trị giá 32 tỷ USD để có tiền thực hiện cam kết về bữa ăn này.
“Chính quyền của ông Prabowo hẳn sẽ tự do hơn trong chi tiêu tài chính nếu nhìn vào nhu cầu chi tiêu tăng lên trong các chương trình mới của ông ấy. Điều này tương phản với cách tiếp cận mang tính bảo thủ hơn của chính quyền Tổng thống Joko Widodo”, chuyên gia phân tích Brian Lee của Ngân hàng Maybank (Malaysia) nhận định với Financial Times. Nhà lãnh đạo tương lai của Indonesia đang cân nhắc mở rộng quy mô nội các với việc tăng từ 34 vị trí hiện nay lên 40-43 ghế trong chính phủ mới khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10-2024. Ông Prabowo có thể thành lập đơn vị độc lập - một bộ riêng hoặc một cơ quan thuộc bộ - để giám sát chương trình bữa ăn miễn phí; đồng thời lập cơ quan chuyên trách riêng của chính phủ để thúc đẩy thu thuế.
Dù giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống song liên minh trong Quốc hội của ông vẫn chưa giành thế đa số, và hiện phải thương lượng với đối tác tiềm năng trong liên minh. Tuy nhiên, một chính phủ có quy mô cồng kềnh hơn cũng sẽ kéo theo khoản chi phí vận hành tăng theo, và như thế chính quyền mới sẽ có rất ít lựa chọn để tăng thêm dư địa tài khóa, tức khả năng của chính phủ trong việc huy động thêm nguồn thu hoặc cắt giảm chi tiêu mà không gây tác động tiêu cực đến kinh tế.
TRẦN ĐẮC LUÂN