Chiến thắng của ông Masoud Pezeshkian trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vừa qua được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới với những đổi thay tích cực cho quốc gia Trung Đông này.
Ông Masoud Pezeshkian, Tổng thống đắc cử Iran, phát biểu sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử ngày 6-7. Ảnh: IRNA |
Theo Financial Times, ứng viên chủ trương cải cách Pezeshkian (69 tuổi) giành chiến thắng sít sao trước đối thủ theo đường lối cứng rắn bảo thủ Saeed Jalili trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 6-7. Kết quả này đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý đối với phe cải cách sau hai thập niên không có đại diện nào thắng cử.
Vực dậy nền kinh tế
Theo CNN, cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc Iran đang vật lộn với nhiều khó khăn kinh tế và không ít thách thức từ môi trường bên ngoài, gồm lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan chương trình hạt nhân và nguy cơ căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang. Trong nền chính trị đặc thù của Iran, dù nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei là người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề của đất nước, nhưng tổng thống vẫn có vai trò nhất định trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn. Ông Pezeshkian cam kết triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm về khôi phục kinh tế, trong đó giảm lạm phát xuống một chữ số, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, chống tham nhũng và xây dựng xã hội cởi mở hơn.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ thời gian qua là chướng ngại vật vô cùng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế từng hưng thịnh một thời của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế của Iran trong giai đoạn 2017-2023 giảm mạnh từ 486,63 tỷ USD xuống còn 367,97 tỷ USD. Lạm phát luôn ghi nhận mức cao từ 35% đến 49% trong những năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức hai chữ số. Do vậy, ông Pezeshkian thừa nhận rằng Iran không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8% nếu không tăng cường kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.
Ôn hòa với phương Tây?
Theo AP, ông Pezeshkian đảm nhận chức tổng thống vào thời điểm đất nước đang bị kéo vào căng thẳng leo thang với Israel và các đồng minh phương Tây, do tác động của xung đột ở dải Gaza và sự tiến bộ của chương trình hạt nhân của Iran. Giới quan sát dự đoán, bên cạnh tiếp tục chính sách hướng Đông cũng như xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia láng giềng Arab trong khu vực, Iran sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây nói chung. Theo đó, chính phủ mới nhiều khả năng có cách tiếp cận linh hoạt và thực dụng hơn, hướng tới quan hệ mang tính xây dựng với các đối thủ ở phương Tây để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện khôi phục kinh tế.
Theo CNN, trong khi các quốc gia phương Tây không mong đợi cuộc bầu cử này sẽ thay đổi mối quan hệ nhiều bất đồng với Iran, ông Pezeshkian chắc chắn là gương mặt ưa thích do có lập trường sẵn sàng cộng tác với các đối thủ chính trị vì sự tiến bộ của đất nước. Quan điểm ôn hòa của ông cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại tiềm năng giữa Iran và các nước phương Tây. Tuy nhiên, việc “phá băng” mối quan hệ này vẫn khó đoán định bởi còn phụ thuộc vào kết quả bầu tổng thống Mỹ, chưa kể phương Tây vẫn giữ thái độ nghi ngại Iran sẽ mở rộng chương trình hạt nhân cũng như đang xích lại gần Nga hơn. Trong khi đó Iran sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn hiện nay trong quan hệ với Israel, đối thủ chính trong khu vực. The Times of Israel dẫn lời ông Pezeshkian nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ nỗ lực vun đắp quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia, trừ Israel”.
Nhìn chung, dù cam kết cải cách nhưng giới chuyên gia quốc tế cho rằng ông Pezeshkian sẽ không cố gắng đảo lộn tình hình hiện tại ở Iran vì bất kỳ nỗ lực cải cách nào cũng có khả năng phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ những người theo đường lối cứng rắn. Giới phân tích cho rằng, để tránh gây tranh cãi, tân tổng thống Iran sẽ không động đến các khía cạnh chính trị nhưng cải thiện các vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa; đồng thời sẽ tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao Khamenei, người khuyên ông nên hành động “tiếp nối con đường” của cố Tổng thống Raisi.
Theo DPA, ông Pezeshkian từng là một bác sĩ phẫu thuật tim được đào tạo tại tây bắc Iran và hành nghề nhiều năm ở thành phố Tabriz. Ông cũng có thời gian phục vụ quân đội trong Chiến tranh vùng Vịnh. Ông giữ chức Bộ trưởng Y tế từ năm 2001 đến 2005 và Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016 đến 2020. |
THƯ LÊ