Kỳ vọng tan băng quan hệ Iran - phương Tây

.

Việc ông Masoud Pezeshkian, chính trị gia tương đối ôn hòa theo đường lối cải cách, trở thành Tổng thống Iran, mở ra tia hy vọng dẫu mong manh về nỗ lực “phá băng” quan hệ đối đầu lâu nay với phương Tây để vực dậy nền kinh tế vốn còn nhiều bất ổn.

Theo The Guardian, ngày 28-7, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei xác nhận ông Masoud Pezeshkian là tổng thống thứ 9 của Iran khi ca ngợi ông là người thông thái được lòng dân, trung thực và uyên bác. Ngay sau khi nhậm chức, ông Pezeshkian bổ nhiệm ông Mohammad Reza Aref (72 tuổi), người theo chủ nghĩa cải cách và là đồng minh thân cận của cố Tổng thống Ebrahim Raisi, làm Phó Tổng thống thứ nhất. Ông Pezeshkian dự kiến bổ nhiệm loạt vị trí chủ chốt trong nội các trong những ngày tới. Hiện, tân tổng thống đang nỗ lực hết sức để bảo đảm sự thống nhất trên chính trường Iran sau sự ra đi đột ngột của người tiền nhiệm Raisi trong vụ tai nạn máy bay hồi tháng 5-2024. Tuy nhiên, khó có thể đoán định ông Pezeshkian đi xa đến đâu trong nỗ lực cải cách kinh tế - xã hội đất nước như cam kết.

Thực tế, ông Pezeshkian nhậm chức trong bối cảnh kinh tế Iran đứng trước nhiều khó khăn. Áp lực trong nước đối với chính phủ mới của Iran bộc lộ rõ ràng vào ngày 28-7 khi tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức và ngân hàng đóng cửa do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng năng lực sản xuất điện. Đây chỉ là sự cố trong chuỗi thách thức kinh tế mà chính quyền của ông Pezeshkian cần tháo gỡ để xoa dịu dư luận. Do đó, với tư tưởng ôn hòa và tinh thần cải cách, đổi mới, mục tiêu hàng đầu của chính phủ mới sẽ là tìm cách ngồi vào bàn đàm phán với phương Tây để chấm dứt bế tắc trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi tăng trưởng và giúp nước này hội nhập sâu hơn vào dòng chảy kinh tế toàn cầu. Mục tiêu này được thể hiện rõ trong bài phát biểu nhậm chức khi ông Pezeshkian công bố mục tiêu chương trình phát triển sâu rộng để Iran đạt vị thế trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ hàng đầu khu vực.

Trong khi đó, theo Tehran Times, cũng tại buổi lễ này, lãnh tụ tối cao Khamenei đưa ra một số lời khuyên về cách chính quyền của ông Pezeshkian nên xem xét và giải quyết các thách thức trong nước và quốc tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia đã thể hiện tinh thần đoàn kết và ủng hộ Iran, đặc biệt là trong thời điểm nước này chịu áp lực, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Lâu nay, ông Khamenei luôn ủng hộ tầm nhìn “hướng Đông” để tìm kiếm các đối tác thân thiện với Iran; đồng thời chỉ trích quyết liệt nhiều cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì đối xử không công bằng với nước này thông qua việc áp đặt lệnh trừng phạt, cấm vận hà khắc.

Lãnh tụ tối cao Khamenei có tiếng nói cuối cùng trong tất cả vấn đề của nhà nước, gồm cả chính sách đối ngoại và hạt nhân nên Tổng thống Pezeshkian khó có thể mang đến những thay đổi bước ngoặt trong các chính sách hàng đầu của Iran. Bên cạnh đó, quyền lực cao nhất trong chính sách khu vực cũng không phải thuộc về Tổng thống mà là Lực lượng Vệ binh cách mạng vốn chỉ tuân theo mệnh lệnh của đại giáo chủ Khamenei. Dẫu vậy, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Pezeshkian giúp nhen nhóm hy vọng về sự tan băng trong quan hệ thù địch giữa Iran với phương Tây, có thể tạo cơ hội xoa dịu tranh chấp hạt nhân giữa nước này với các cường quốc thế giới.

Rõ ràng, ông Pezeshkian vẫn một lòng trung thành tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao khi cam kết đưa đất nước tiến lên trên con đường rõ ràng do lãnh tụ tối cao đã vạch ra. Song với cách tiếp cận ngoại giao thân thiện hơn với phương Tây, chính quyền của ông Pezeshkian vẫn có cơ hội thúc đẩy tầm nhìn của mình thông qua vận động hành lang chính trị. Điều này không hẳn viễn vông bởi lịch sử đã chứng minh vào năm 2015, khi Tổng thống theo đường lối ôn hòa lúc bấy giờ là Hassan Rouhani thuyết phục những người theo đường lối cứng rắn, bao gồm cả chính ông Khamenei, chấp nhận thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá với phương Tây.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.