Bắc Cực, vùng đất lạnh giá và giàu tài nguyên, đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa ba nước lớn: Mỹ, Trung Quốc, Nga. Với những chiến lược và lợi ích riêng của mỗi nước, từ an ninh quân sự, khai thác tài nguyên đến vận tải biển, cuộc cạnh tranh này đang tạo bức tranh phức tạp và đầy thách thức tại khu vực.
Tàu phá băng Polar Star của Tuần duyên Mỹ làm nhiệm vụ vào năm 2023. Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Mỹ |
Mỹ công bố chiến lược Bắc Cực
Theo The Hill, ngày 23-7, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch gồm nhiều hướng tiếp cận: đầu tư tàu phá băng, huấn luyện lực lượng cho vùng Bắc Cực, đầu tư cho các căn cứ trong khu vực và phát triển công nghệ tiên tiến để đảm nhiệm các nhiệm vụ tại đây như máy bay và hạ tầng liên lạc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Kathleen Hicks nói: “Chiến lược Bắc Cực mới này là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm Bắc Cực vẫn ổn định và an toàn, ở hiện tại và tương lai”.
Lầu Năm Góc trình bày chiến lược Bắc Cực trong bản báo cáo dài 28 trang được đưa ra vài tuần sau khi Mỹ công bố Nỗ lực hợp tác tàu phá băng, hiệp ước trị giá hàng tỷ USD và kéo dài nhiều năm với Phần Lan và Canada để đóng thêm tàu phá băng có thể đi lại ở Bắc Cực. Từ lâu, Mỹ lo ngại bị tụt hậu so với Nga và Trung Quốc ở khu vực này, nhất là khi hai nước tiến hành tuần tra và tập trận chung tại đây. Nga có khoảng 40 tàu phá băng, trong khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ có 2 chiếc đang hoạt động và dự kiến sẽ sớm hết tuổi thọ.
Dù khối quân sự NATO bao gồm 7 trong số 8 quốc gia Bắc Cực, nhưng Nga lại là nước có phần lãnh thổ lớn nhất tại đây và cũng có sự hiện diện quân sự phát triển nhất ở đó. Kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung chiến lược cải thiện cảm biến, thông tin tình báo và chia sẻ thông tin; tham gia với các đồng minh và đối tác để tăng cường hiện diện; triển khai nhiều hoạt động huấn luyện và tập trận nhiều hơn ở Bắc Cực để quân đội làm quen với thời tiết giá lạnh, đồng thời triển khai công nghệ mới được thiết kế riêng cho vùng băng giá.
Cuộc đua tam mã
Trong quá khứ, xung đột giữa các quốc gia xung quanh Bắc Cực chủ yếu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên như tranh chấp về nghề cá, phân định lãnh thổ… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những khối băng ở Bắc Cực đang tan chảy, giúp mở ra khả năng tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên quý giá, cũng vì thế nơi này nổi lên như một khu vực có tầm quan trọng chiến lược mới. Bên cạnh các nguồn năng lượng, khoáng sản quan trọng và nguồn hải sản, các tuyến đường vận chuyển mới qua Bắc Cực còn mở ra cơ hội thiết lập tuyến đường mới giữa châu Âu và châu Á, kéo theo lợi ích của nhiều quốc gia tăng lên tại đây, gồm cả về kinh tế lẫn chính trị.
Bộ Quốc phòng Mỹ coi Bắc Cực là khu vực an ninh quan trọng để bảo vệ lợi ích sống còn của họ, theo nhận định của cây bút Laiba Awan viết trên Modern Diplomacy. Chiến lược Bắc Cực mới của quân đội Mỹ xem khu vực này là nền tảng cho sự hiện diện quyền lực toàn cầu và là đấu trường cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên. Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Alaska và Greenland, cùng với các hoạt động tìm kiếm hàng hải, các đoàn thám hiểm khoa học quốc tế và nghiên cứu ô nhiễm cho thấy sự nghiêm túc của Mỹ đối với vấn đề quân sự hóa và tài nguyên tại Bắc Cực.
Trong khi đó, Nga có tiềm năng kinh tế, môi trường và chiến lược quân sự mạnh mẽ tại Bắc Cực. Hạm đội phương Bắc có các tàu ngầm sở hữu khoảng 81% vũ khí hạt nhân hoạt động trên biển của Nga, các cơ sở khí tượng thủy văn, bãi thử tên lửa tầm xa, nơi diễn tập lực lượng hạt nhân, cùng với hơn 50 căn cứ quân sự, trong đó có căn cứ không quân Nagurskoye ở vĩ độ cao nhất của Nga. Nước này có nhiều tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.
Trung Quốc, dù không phải là quốc gia Bắc Cực, nhưng cũng tỏ rõ sự quan tâm khi muốn xây dựng “Con đường Tơ lụa Bắc Cực” bằng cách phát triển các tuyến vận tải biển xuyên qua khu vực này. Các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào khai thác mỏ và năng lượng tại Iceland, Greenland và Nga. Sự hiện diện của nước này không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quân sự.
Rõ ràng, Bắc Cực đang trở thành một đấu trường mới của các cường quốc toàn cầu. Trong khi Nga, Mỹ và Trung Quốc đang là những nước chính đang tham gia cuộc cạnh tranh để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị, các cường quốc khác cũng muốn mở rộng ảnh hưởng tại đây. Điều này dẫn đến cuộc đua căng thẳng giữa các nước khi mỗi bên đều muốn có phần trong “miếng bánh” Bắc Cực. Cùng với các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, việc quân sự hóa và gia tăng cạnh tranh tại Bắc Cực cũng đòi hỏi sự hợp tác quốc tế để ngăn chặn xung đột và bảo vệ khu vực này khỏi sự hủy diệt.
Tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực Tuyến đường biển phía Bắc, tuyến đường biển xuyên cực và tuyến đường Tây Bắc đang trở thành những lựa chọn thay thế nổi bật cho các lộ trình truyền thống xưa nay do hiệu ứng nóng lên toàn cầu làm tan chảy các tảng băng trôi và dải băng, kết nối trực tiếp Bắc Á với Bắc Âu. Các nước không thuộc Bắc Cực như Trung Quốc, Đức và Ấn Độ đang ngày càng quan tâm đến khu vực này do cơ hội kinh tế và các nguồn tài nguyên thay thế ở đây. |
TRẦN ĐẮC LUÂN