NATO đối mặt nhiều thách thức sau 75 năm thành lập

.

Trong hai ngày 10 và 11-7, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến thủ đô Washington DC của Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) trao tặng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg Huân chương Tự do của Tổng thống tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ngày 9-7 tại Washington DC (Mỹ). Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) trao tặng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg Huân chương Tự do của Tổng thống tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ngày 9-7 tại Washington DC (Mỹ). Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, sự kiện đánh dấu sự ra mắt lần đầu tiên của Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, cùng các khách mời là lãnh đạo Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhiều vấn đề bao trùm

Thành lập năm 1949, NATO đã phát triển từ 12 thành viên ban đầu lên 32 thành viên như hiện nay và Thụy Điển là thành viên mới nhất vừa gia nhập trong tháng 3-2024. Theo The Guardian, ở “tuổi 75”, NATO đang đối mặt nhiều thách thức lớn trong bối cảnh biến động khôn lường địa chính trị toàn cầu. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, liên minh quân sự này đang phải đối mặt với “một thế giới nguy hiểm hơn” với “một châu Âu chia rẽ và NATO lung lay”.

Hội nghị chủ yếu dành thời lượng nghị sự để bàn giải pháp hỗ trợ Ukraine. Trong buổi họp báo ngày 8-7 của Nhà Trắng, cố vấn an ninh Mike Carpenter của ông Biden cho biết, các nước NATO dự kiến công bố khoản hỗ trợ mới cho Ukraine, gồm khởi động lại khoản ngân sách 43,2 tỷ USD trong năm tới, cùng với cam kết hỗ trợ song phương khác từ các nước thành viên. Dù vậy, sẽ không có tiến triển đáng kể nào đối với lộ trình gia nhập NATO của Ukraine tại kỳ họp lần này, dù các nước trong liên minh cũng sẽ động viên Ukraine rằng gói hỗ trợ mới nhất sẽ là “cầu nối” tới việc trở thành thành viên trong tương lai.

Theo AP, mức chi tiêu ngân sách cho quốc phòng của các nước cũng sẽ là vấn đề lớn tại hội nghị. Trong vai trò là đầu tàu ngân sách của NATO, từ lâu Mỹ luôn nỗ lực thúc đẩy các khoản đóng góp tốt hơn từ các nước thành viên trong khối. Mục tiêu đặt ra từ năm 2014 là mỗi nước dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng cho tới năm 2024 dự kiến sẽ được đánh giá lại. Giới chức Mỹ cho biết 23/32 thành viên đã đạt được mục tiêu đó (so với 9 nước đạt được vào năm 2021), tuy nhiên mọi ánh mắt lúc này dồn về những nước không hoàn thành mục tiêu, nhất là Canada.

Tháng 5-2024, 23 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gửi thư cho Thủ tướng Canada để bày tỏ sự thất vọng khi biết nước này sẽ chỉ dành 1,7% GDP cho chi tiêu quốc phòng cho tới năm 2029. Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha cũng nằm trong số những nước có mức chi tiêu quốc phòng thấp nhất. Gần đây, các đồng minh của ông Trump đề cập kịch bản tiềm năng nếu ông tái đắc cử, đó là yêu cầu sự tái định hướng lại trong tổ chức NATO, buộc các nước phải tăng thêm đóng góp ngân sách quốc phòng cho liên minh.

Vấn đề của ông Biden

Điểm đáng lưu ý nữa là hội nghị diễn ra tại Mỹ khi mà dư luận nước này đang rất “nóng” với tranh luận quanh việc liệu đương kim Tổng thống Biden có nên tiếp tục tái tranh cử vào tháng 11-2024 hay không. Dù không hề nằm trong một nội dung chính thức nào của chương trình nghị sự, song gần như chắc chắn những băn khoăn, quan ngại về sức khỏe của ông Biden và chuyện tái tranh cử của ông sẽ là chủ đề “bất thành văn” được bàn thảo không ít. Hiểu rõ thách thức lớn đang đặt ra với mình, ông Biden kêu gọi các cử tri hãy theo dõi những hoạt động của ông thật kỹ những ngày này để đánh giá năng lực lãnh đạo của ông trên chính trường quốc tế. Ngày 11-7, khi hội nghị bế mạc, ông Biden dự kiến tổ chức cuộc họp báo trọn vẹn đầu tiên mà ông một mình đối diện với báo chí kể từ tháng 11-2022, theo New York Times.

Reuters tiết lộ, bên lề hội nghị, nhiều quan chức cấp cao của châu Âu gặp gỡ một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của cựu Tổng thống Trump tuần này. Ông Keith Kellogg, cố vấn và cũng từng là chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia cho ông Trump trước đây, tiết lộ việc đã gặp nhiều quan chức châu Âu những ngày qua, gồm cả các ngoại trưởng. Tương tự, trong các tháng qua, nhiều nhà ngoại giao nước ngoài cũng gặp gỡ thường xuyên những quan chức từng làm việc trong chính quyền của ông Trump giai đoạn 2017-2021.

NATO sẽ triển khai 4 dự án với các đối tác
Theo Nikkei Asia, phát biểu ngày 9-7 tại Diễn đàn công nghiệp quốc phòng NATO đầu tiên tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết NATO và các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Hàn Quốc, Úc và New Zealand, sẽ triển khai 4 dự án hợp tác mới nhằm thắt chặt thêm quan hệ. Các dự án này sẽ tập trung vào các vấn đề: Ukraine, trí tuệ nhân tạo (AI), tin giả và an ninh mạng. Các sáng kiến tuy khác nhau, nhưng sẽ cùng hướng tới mục tiêu chính: khai thác sức mạnh của các nước có tầm ảnh hưởng để giải quyết những thách thức chung toàn cầu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.