Vào mùa hè này, các cuộc biểu tình phản đối du lịch lan rộng khắp châu Âu từ Hà Lan, tới Hy Lạp và Tây Ban Nha khi người dân địa phương có những hành vi quá khích... để “tiễn khách”.
Nhìn chung, giới quan sát tin rằng đây không chỉ là cuộc đụng độ giữa du khách và người dân địa phương mà nó phản ánh việc du lịch không được quản lý bền vững bởi người dân không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ hoạt động này. Người dân không đổ lỗi trực tiếp cho du khách. Thực ra, họ muốn gây sức ép để chính phủ thay đổi chính sách.
Phản đối du lịch quá tải
Theo CNN, nguyên nhân cốt lõi của các cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha là vấn đề giá mua và thuê nhà tăng cao, khiến một số cư dân gần như không thể sở hữu nhà. Carlos Ramirez, 26 tuổi, giáo viên ở Barcelona, đông bắc Tây Ban Nha, đang tiết kiệm tiền để mua nhà nhưng giá cả ở thủ phủ Catalan đang tăng vọt và Ramirez lo sợ rằng anh sẽ phải rời khỏi đây. Giống như những cư dân khác ở Nam Âu, nơi các thành phố là điểm đến du lịch mùa hè phổ biến, Ramirez cho rằng, chi phí nhà ở, giá cả hàng hóa tăng cao phần lớn là do khách du lịch đến đây quá đông. Theo Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni, giá thuê nhà tăng 68% trong thập niên qua, tương tự các thành phố khác tại châu Âu.
Tháng 4-2024, một số người biểu tình phản đối du lịch quá tải ở quần đảo Canary (Tây Ban Nha) và kêu gọi tuyệt thực. Tháng 7-2024, những người biểu tình diễu hành qua các khu du lịch nổi tiếng tại thành phố Barcelona, phun nước vào những du khách trong khi hô vang khẩu hiệu “Khách du lịch hãy về nhà”. Và gần đây nhất, hàng nghìn người biểu tình tại đảo Mallorca, với tuyên bố rằng mô hình du lịch của hòn đảo này làm người lao động nghèo đi và chỉ làm giàu cho một số ít người. Khoảng 2.800 người tham gia biểu tình ở Barcelona kêu gọi cách tiếp cận kinh tế mới nhằm giảm số lượng khách du lịch.
Bà Antje Martins, chuyên gia về du lịch bền vững từ Đại học Queensland, cho biết, các cuộc biểu tình như vậy có thể ảnh hưởng quyết định đi du lịch của du khách. Nhiều du khách không muốn đến thăm Barcelona vì sợ hãi. Chuyên gia này phân tích: “Đối với tôi, chúng phản ánh về du lịch không được quản lý bền vững. Tôi cho rằng những vụ việc với người dân đang nổi loạn chống lại du lịch... cho thấy họ không vui vì không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ du lịch”. Theo bà, những cư dân bị đẩy ra khỏi nơi ở do du lịch không bền vững thường được trả lương thấp hơn và một số người đang làm việc trong chính ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, Eduardo Santander, Tổng Giám đốc điều hành của Ủy ban Du lịch châu Âu, cho rằng, các cuộc biểu tình ở Barcelona mang tính riêng biệt và không phản ánh toàn bộ thực tế của Tây Ban Nha hay châu Âu nói chung.
Thu phí du lịch
Theo CNN, tại một số thành phố châu Âu, chính quyền địa phương đang có những hành động nhằm kiểm soát lượng khách du lịch. Các quan chức ở Venice (Áo) đưa ra quy định thu phí du lịch nhằm điều chỉnh lượng khách. Theo thị trưởng Venice Luigi Brugnaro, mức phí du lịch mới là 5 EUR mỗi du khách, bắt đầu từ ngày 25-4 và kết thúc vào ngày 14-7, thu về hơn 2,4 triệu EUR (khoảng 2,6 triệu USD), cao hơn đáng kể so với dự kiến.
Một số cư dân số lượng du khách đến Venice vẻ ít hơn nhờ chính sách này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng loại thuế này không chỉ vô dụng mà còn có hại, vì nó khiến thế giới nghĩ rằng Venice là nơi phải mua vé để đến. Susanna Polloni, từ nhóm Mạng lưới đoàn kết vì nhà ở có trụ sở tại Venice, cho biết du lịch số đông khiến các cơ sở chăm sóc sức khỏe phải đóng cửa, các cửa hàng trong khu phố được thay thế bằng các cửa hàng đồ lưu niệm và giá nhà tăng vọt.
Nhiều thành phố khác trên khắp châu Âu cũng đang “nối gót” Venice, một số thậm chí còn muốn tăng phí du lịch. Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni gần đây tuyên bố sẽ tăng thuế đối với một số hành khách đi du thuyền. Thuế du lịch hiện là nguồn thu lớn thứ ba của Barcelona, thu về khoảng 100 triệu EUR vào năm ngoái. Du khách phải trả 6,25 EUR để vào thành phố. Thị trưởng Collboni cũng muốn chấm dứt giấy phép hoạt động của khoảng 10.000 căn hộ hiện đang được cho thuê ngắn hạn.
GIA NGHI