Việc Venezuela và Mỹ nối lại các cuộc đàm phán trước thềm cuộc bầu cử tại quốc gia Mỹ Latinh này cho thấy nỗ lực “phá băng” quan hệ song phương sau một thập niên bất đồng sâu sắc.
Quan hệ Mỹ - Venezuela liên tục gia tăng căng thẳng kể từ khi lực lượng cánh tả do Tổng thống Nicolas Maduro nắm quyền lãnh đạo đất nước. Đỉnh điểm là vào năm 2019, Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, sau khi Washington công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của nước này thay cho ông Maduro tái đắc cử.
Ngay lập tức, Mỹ đáp trả bằng cách áp đặt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên Venezuela, mà chủ yếu nhắm vào ngành dầu mỏ và tài chính. AP dẫn báo cáo của tổ chức khu vực Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) công bố tháng 5-2024 cho biết, ước tính thiệt hại kinh tế mà Venezuela phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt kể từ năm 2015 là khoảng 800 tỷ USD. Thư ký điều hành của ALBA-TCP Jorge Arreaza cho rằng con số thiệt hại trên thực tế có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Vậy đâu là động cơ khiến hai bên phải làm lành với nhau? Thực tế, tác động của xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhất là ở châu Âu, biến động khó lường. Vì thế, Mỹ không thể không nghĩ tới Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới, để bù đắp cho khoảng thiếu hụt nghiêm trọng đó. Tháng 3-2022, hai nước nối lại các cuộc tiếp xúc ở mức độ nhất định khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cử phái đoàn đến Caracas để đàm phán với chính phủ của ông Maduro về cung ứng dầu mỏ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Đầu tháng 1-2023, Chính phủ Mỹ cấp phép cho Chevron cùng 4 công ty liên doanh với các đối tác Venezuela xử lý, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này vào Mỹ. Cùng với đó, chính quyền Mỹ cấp giấy phép cho Trinidad và Tobago, quốc đảo ở Caribe, phát triển mỏ khí đốt lớn nằm trong lãnh hải của Venezuela và nới lỏng thêm một số biện pháp trừng phạt đối với Caracas.
Trong khi đó, việc Tổng thống Maduro muốn nối lại đàm phán với Mỹ nhằm thể hiện sự sẵn sàng đối thoại để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính và công nghệ nghiêm ngặt. Theo AFP, tháng 1-2023, ông Maduro khẳng định, Venezuela đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh mối quan hệ ngoại giao, lãnh sự và chính trị với chính phủ đương nhiệm cũng như chính phủ sắp tới ở Mỹ.
Đáng chú ý, ngày 1-7, Tổng thống Maduro tuyên bố chính quyền do ông lãnh đạo chấp thuận đề xuất của Chính phủ Mỹ về việc nối lại đối thoại trực tiếp với Mỹ sau hai tháng cân nhắc. Nhà lãnh đạo Venezuela bày tỏ ủng hộ đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm thay đổi và tìm kiếm tương lai cho quan hệ song phương với điều kiện tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và độc lập của quốc gia Nam Mỹ này. Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodríguez Gómez dẫn đầu phái đoàn nước này tham gia đàm phán với phái đoàn Mỹ vào ngày 3-7.
Việc Venezuela và Mỹ khởi động đàm phán trực tiếp được các nhà quan sát chính trị đánh giá là bước đi tích cực nhằm từng bước “phá băng” quan hệ song phương sau thời gian dài. Đối với Venezuela, quốc gia có nguồn dầu mỏ khổng lồ nhưng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và các đồng minh phương Tây, chính quyền của Tổng thống Maduro đã phải vượt qua vô vàn thử thách để nền kinh tế đất nước không rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Trong diễn biến liên quan, theo Reuters, phát biểu tại hội thảo phát triển kinh tế quốc tế 2024 vừa diễn ra tại Caracas, Tổng thống Maduro tin tưởng Venezuela sẽ đạt tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và sản xuất lương thực sau khi trải qua giai đoạn kinh tế phức tạp. Tốc độ lạm phát của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% trong quý 1-2024. GDP của quốc gia Caribe này dự kiến tăng trưởng hơn 8% trong năm nay.
LÊ MINH HÙNG