Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới cho máy bay C919

.

Trung Quốc đang nỗ lực đưa máy bay C919 tự sản xuất ra thị trường nước ngoài, khẳng định bước phát triển vượt bậc của ngành hàng không dân dụng. Tuy nhiên, rào cản từ Mỹ và các nước châu Âu khiến Trung Quốc phải để mắt đến các thị trường tầm trung, điển hình như Đông Nam Á và Trung Đông.

Thế hệ máy bay chở khách C919 mới đang biến tham vọng kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc thành hiện thực. Chiếc C919 hai động cơ thân hẹp, được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) trong 15 năm, có thể chở tới 192 hành khách cho những chuyến đi dài 5.555km.

Theo Bloomberg, C919 trở nên “đắt hàng” thị trường nội địa khi hãng hàng không Air China đặt mua 100 chiếc với giá trị thương vụ lên đến gần 11 tỷ USD. C919 xuất hiện thường xuyên trong các tuyến đường bay bận rộn nhất của nước này, nối liền hai trung tâm kinh tế là Thượng Hải và Quảng Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng máy bay này trong các chuyến bay quốc tế, trước mắt là với thị trường châu Á.

Với thành công bước đầu, Trung Quốc nỗ lực đưa máy bay C919 ra thị trường thế giới, sẵn sàng cạnh tranh trực diện với các đối thủ lớn là Airbus và Boeing, qua đó tái định hình thị trường hàng không dân dụng quốc tế trong thập niên tới. Tuy nhiên, việc thiếu chứng nhận quan trọng từ các cơ quan quản lý hàng không ở châu Âu hay Mỹ, cũng như các vấn đề địa chính trị phức tạp, có thể ảnh hưởng tham vọng của Comac. Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cho rằng, máy bay của Trung Quốc còn “quá mới” để được phê duyệt vào năm 2026, và cơ quan giám sát của châu Âu sẽ mất nhiều thời gian để có thể cho phép máy bay này hoạt động.

Trong bối cảnh gặp khó ở phương Tây, theo SCMP, Comac đang chuyển hướng sang thị trường các quốc gia tầm trung, điển hình như khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. “Tôi hy vọng hãng hàng không nội địa TransNusa của Indonesia sẽ sớm đạt thỏa thuận với Comac về thương vụ mua C919, vì hãng hàng không này cần những máy bay phản lực lớn hơn để phát triển và cạnh tranh hiệu quả”, SCMP dẫn nhận định của ông Shukor Yusof, nhà sáng lập công ty tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Singapore.

Thực tế, TransNusa và Comac đang duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ. Đội ngũ chuyên gia Comac tại Jakarta đang giúp TransNusa đào tạo phi công. Từ năm 2022, TransNusa đặt mua dòng máy bay ARJ21 của Comac; 2 chiếc được bàn giao và đi vào sử dụng một năm qua. Chiếc thứ ba cũng đã đến Jakarta vào tháng 5-2024 và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Nền tảng hợp tác có thể giúp TransNusa nhận được các khoản ưu đãi từ Comac về giá cả cho C919. Ngoài ra, hãng này có thể cần mua máy bay mới để duy trì các chặng bay chính từ Jakarta đến Singapore, Kuala Lumpur và các thành phố ở Trung Quốc.

Sở dĩ Comac để mắt tới TransNusa vì Indonesia được dự báo sẽ là thị trường lớn thứ tư thế giới về lưu lượng di chuyển vào thập niên 2040, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Hiện, thị trường hàng không của nước này đứng thứ 13 thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Comac cũng có thể tận dụng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Indonesia và Trung Quốc, nhất là về giao thông và cơ sở hạ tầng, để sớm nhận sự chấp thuận từ chính quyền Indonesia để C919 có thể bay ở nước này.

Ngoài Indonesia, Comac cũng nhắm đến Brunei như đối tác tiềm năng khi thị trường này được coi là “bệ phóng” khác khi GallopAir ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD với Comac để mua 30 máy bay, gồm cả C919. GallopAir, thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Tianju có trụ sở tại Trung Quốc, dự kiến hoạt động vào cuối năm nay. Theo Reuters, Cham Chi, CEO của GallopAir, cho biết, tháng 2-2024, hãng nộp đơn xin chứng nhận cho C919 lên các cơ quan quản lý ở Brunei.

Zhang Xin, Giáo sư kỹ thuật ngành hàng không vũ trụ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định, việc dòng 737 của Boeing dễ xảy ra tai nạn sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của C919, trong khi Airbus đang gặp khó khăn do hạn chế về năng lực. “Đây là lợi thế lớn cho C919 khi hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu đều đang gặp khó và Đông Nam Á đang chứng kiến một thế hệ hãng hàng không mới”, ông Zhang Xin cho biết.

Chưa dừng ở đó, Trung Đông cũng là thị trường mà Comac muốn hướng tới. Chủ tịch Comac He Dongfeng có chuyến thăm Arabia Saudi vào tháng 5-2024 và tham gia cuộc hội đàm với hãng hàng không quốc gia Arabia Saudi. Theo Giáo sư Zhang Xin, hành khách từ châu Á và châu Âu đến Bán đảo Arab và châu Phi có thể bay đến các trung tâm như Dulai, Doha hoặc Riyadh, sau đó nối chuyến trên các máy bay nhỏ đến điểm cuối cùng. Vì vậy, đây cũng là một thị trường tiềm năng cho “ngựa ô” C919.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.