Việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kéo dài 6 năm cho đến năm 2031 một lần nữa khẳng định con đường mà nhân dân Venezuela kiên định theo đuổi, song cũng đòi hỏi nhà lãnh đạo này nỗ lực hơn nữa để đưa đất nước vượt qua bộn bề thách thức.
Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước những người ủng hộ tại Caracas, (Venezuela) vào ngày 29-7 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: AP |
Ngày 29-7, Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) xác nhận ông Maduro (61 tuổi) tái đắc cử nhiệm kỳ 2025-2031, qua đó nâng tổng số năm cầm quyền lên 18 năm. Có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng này, song có lẽ yếu tố mang tính quyết định là việc ông Maduro, với sự hậu thuẫn của đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV), tiếp tục mục tiêu theo đuổi chủ nghĩa xã hội Bolivar do cố lãnh tụ Hugo Chavéz xây dựng vì hạnh phúc của nhân dân và sự thịnh vượng của đất nước.
Thách thức bên trong và bên ngoài
Theo AFP, cũng giống như với lần bầu cử trước, phe đối lập ở Venezuela không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu vào ngày 28-7 và kêu gọi người dân tham gia biểu tình phản đối. Ông Maduro dường như đã lường trước những toan tính từ phe đối lập khi ông chỉ trích phe đối lập đang cố gắng áp đặt cuộc đảo chính mang tính chất phát xít và phản cách mạng ở Venezuela thêm một lần nữa. Theo ông, hành động này châm ngòi cho sự leo thang bạo lực và cuối cùng phe đối lập có thể tận dụng thời cơ để giành quyền lực. Tổng Chưởng lý Venezuela Tarek William Saab, nhân vật thân cận với Tổng thống Maduro, cũng xác nhận cơ quan của ông đang điều tra âm mưu tấn công hệ thống kiểm phiếu của đất nước.
Bên cạnh áp lực trong nước, một số quốc gia cũng đang gây sức ép lớn đối với chính quyền của ông Maduro. Theo AFP, các nước như Mỹ bày tỏ sự hoài nghi về kết quả bầu cử. Ngày 29-7, có 9 quốc gia Mỹ - Latin ra tuyên bố chung kêu gọi xem xét kết quả với sự có mặt của quan sát viên bầu cử độc lập.
Trước diễn biến này, Bộ Ngoại giao Venezuela ngay lập tức thông báo trục xuất Đại sứ Argentina, Chile, Costa Rica, Peru, Panama, Cộng hòa Dominicana và Uruguay; đồng thời yêu cầu đóng cửa trụ sở các cơ quan ngoại giao các nước này bởi hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, đặc biệt là cuộc bầu cử này.
Chính phủ Venezuela một lần nữa khẳng định sẽ bảo đảm mọi hành động pháp lý và chính trị để bảo vệ quyền tự quyết bất khả xâm phạm của quốc gia; cũng như sẽ đối đầu với mọi hành động đe dọa bầu không khí hòa bình và cùng tồn tại mà người dân Venezuela đã phải rất nỗ lực thực hiện.
Theo RT, chiến thắng của ông Maduro vẫn đón nhận lời chúc mừng từ lãnh đạo các nước, trong đó có Trung Quốc, Nga, Cuba, Nicaragua, Bolivia và Honduras… Từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng ông Maduro và bày tỏ tin tưởng rằng trên cương vị người đứng đầu nhà nước, ông Maduro sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ Nga- Venezuela, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Chờ bản lĩnh của “người cầm lái”
Theo RT, phát biểu trước những người ủng hộ tại Caracas ngày 29-7, ông Maduro mô tả việc ông tái đắc cử là chiến thắng của hòa bình và ổn định, cho thấy người dân đặt trọn niềm tin vào năng lực lãnh đạo của “người cầm lái” bền bỉ này dựa trên thành tích nổi bật trong hai nhiệm kỳ qua. Thực tế, Venezuela đã phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ vốn gây ra những hậu quả sâu rộng đối với cuộc sống của người dân nước này như thiếu thuốc men, thiếu lương thực, vấn đề di cư.
Theo báo cáo của tổ chức khu vực Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP), bão trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt kể từ năm 2015 gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 800 tỷ USD cho Venezuela. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nền kinh tế nước này có dấu hiệu phục hồi nhờ các chính sách kinh tế đổi mới được chính quyền của ông Maduro triển khai hiệu quả.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Maduro gửi thông điệp đến toàn bộ người dân rằng đất nước đã xây dựng được sự đồng thuận lớn để hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, trong đó ngành năng lượng, động lực kinh tế của đất nước ghi nhận sự cải thiện rõ rệt so với trước đây.
Theo đó, tháng 1-2024, ông Maduro trình bày đại dự án 7T (tức 7 chuyển đổi), bao gồm nhiều mục tiêu khác nhau phù hợp với các giá trị của đảng cầm quyền và chủ nghĩa xã hội Bolivar, mô hình chi phối các chính sách của chính phủ. Theo Financial Express, Ủy ban kinh tế về Mỹ Latin và Caribe của Liên Hợp Quốc (ECLAC) dự đoán, Venezuela sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ở khu vực Mỹ Latin vào năm 2024, với mức tăng 4,5%. Xu hướng này dựa trên những cải thiện về thương mại và dịch vụ, được thúc đẩy bởi ngành dầu mỏ và khai khoáng, bên cạnh sự tăng trưởng của các ngành như chế biến thực phẩm và sản xuất dược phẩm.
Có thể nói những thách thức của nhiệm kỳ mới thực sự rất nặng nề. Dẫu vậy, niềm tin và sự đồng lòng của người dân Venezuela sẽ giúp ông Maduro chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
THƯ LÊ