Bà Harris đón những cơn gió thuận

.

Tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ngày 21-8 đã chính thức phê chuẩn bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11-2024.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters

Cuộc đua căng thẳng

Ngày 21-8, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, kêu gọi người Mỹ ủng hộ bà Harris trong cuộc tranh cử trước ông Donald Trump. Đồng thời, ông Obama cũng cảnh báo cuộc đua với đối thủ đại diện cho đảng Cộng hòa sẽ rất căng thẳng. Mặc dù có nhiều năng lượng và sự hứng khởi từ các cuộc mít-tinh và hoạt động truyền thông, chiến dịch tranh cử của bà Harris vẫn sẽ là cuộc chiến cân não trong một đất nước đang phân cực gay gắt như nước Mỹ hiện nay.

Theo Financial Times, ông Obama sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để khuyến khích các thành viên đảng Dân chủ đoàn kết ủng hộ bà Harris. Ông so sánh bà với chính mình khi ông tranh cử lần đầu và nhắc lại khẩu hiệu “Yes we can” (Chúng ta có thể làm được) của mình năm xưa để khuyến khích khẩu hiệu mới “Yes she can” (Bà ấy có thể làm được) cho bà Harris. Có mặt cùng chồng, bà Michelle Obama cũng phát biểu tại hội nghị và chỉ trích ông Trump vì cái nhìn hạn hẹp của ông về thế giới. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cử tri hãy đi bỏ phiếu thật đông đảo để loại bỏ bất cứ sự nghi ngờ nào về kết quả bầu cử.

Bà Harris và ứng viên phó tổng thống Tim Walz vẫn tiếp tục nỗ lực vận động tranh cử, trong khi ở phía bên kia, ông Trump cũng tăng cường các hoạt động của mình. Theo các khảo sát, bà Harris đang dẫn trước ông Trump khoảng 3 điểm phần trăm trên toàn quốc và nhỉnh hơn một chút tại các bang chiến trường.

Điểm mạnh và yếu

Theo CNN, bà Harris có một vốn liếng kinh nghiệm rất phong phú để ra tranh cử khi bà từng là công tố viên, Tổng chưởng lý bang California, Thượng nghị sĩ và Phó Tổng thống. Ngay cả việc là một phụ nữ da màu của bà vào thời điểm này cũng được coi là điểm mạnh trong bối cảnh chính trị đang thay đổi. Với tư cách là Phó Tổng thống, bà đã đại diện cho đất nước trong hơn chục chuyến công du nước ngoài và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới để giúp củng cố các liên minh toàn cầu.  Bà cũng nổi tiếng là người có kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ và khả năng kết nối với cử tri ở cấp độ cá nhân.

Cho tới nay, ngoài những khoản lớn, chiến dịch tranh cử của bà cũng huy động số các khoản quyên góp nhỏ ở mức kỷ lục, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Theo thông tin công bố ngày 21-8 trên NBC News, bà Harris đã huy động gần 500 triệu USD cho chiến dịch tranh cử trong tháng qua. Số tiền lớn này gồm cả chiến dịch của bà và một số tổ chức gây quỹ khác có liên quan. Các thành viên đảng Dân chủ dự đoán con số này có thể tăng lên khoảng 600 triệu USD cuối tháng 8-2024. Đội ngũ tranh cử của bà Harris bước vào tháng 8-2024 với 377 triệu USD tiền mặt, nhiều hơn 50 triệu USD so với số tiền mà chiến dịch của ông Trump có.

Dĩ nhiên bên cạnh những điểm mạnh, bà Harris cũng phải đối mặt với một số thách thức. Với tư cách là Phó Tổng thống đương nhiệm, bà có thể bị ràng buộc với chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden, đây sẽ là thách thức lớn nếu cử tri không hài lòng với tình trạng hiện tại của đất nước. Một vấn đề tiềm tàng khác nữa chính là nhiệm kỳ tương đối ngắn của bà Harris trong nền chính trị quốc gia. Thực tế, dù đã phục vụ tại Thượng viện và là Phó Tổng thống nhưng bà đã không giữ một chức vụ cấp cao lâu dài trong chính quyền như một số đối thủ của mình và đây có thể là một băn khoăn với những cử tri muốn tìm kiếm ứng viên tổng thống giàu kinh nghiệm.

Nên xa rời “Bidenomics”?
Mới nhất, trong bài bình luận trên Financial Times, cây bút Janan Ganesh cho rằng, bà Kamala Harris nên tách biệt mình khỏi chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden, hay còn gọi là “Bidenomics”. Chính sách này tập trung vào chi tiêu lớn và bảo vệ thị trường nội địa, nhưng nó lại không được lòng nhiều cử tri và có thể gây khó khăn cho bà trong cuộc bầu cử sắp tới. Ganesh cho rằng, ngoài lý do chính trị, “Bidenomics” không thể giải quyết các vấn đề quan trọng khác như nợ công. Vậy nên bà Harris hãy cân nhắc việc từ bỏ hoặc điều chỉnh các chính sách này để có cơ hội tốt hơn trong cuộc bầu cử.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.