Bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

.

Ngày 14-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) lần thứ 2 trong vòng hai năm vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) đang lây lan nhanh chóng khắp châu Phi và có nguy cơ xâm nhập vào các lục địa khác.

Y tá lấy mẫu xét nghiệm từ đứa trẻ bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Cộng hòa  Dân chủ Congo.Ảnh: Reuters
Y tá lấy mẫu xét nghiệm từ đứa trẻ bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Reuters

Châu Phi là tâm điểm

Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ở Thụy Sỹ ngày 14-8, cho biết, dịch bệnh đậu mùa khỉ là vấn đề toàn cầu đáng quan tâm bởi khả năng lây lan nhanh chóng trong phạm vi châu Phi và nguy cơ lan rộng ra xa hơn nữa. Thực tế, dù các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ không phải là hiếm ở châu Phi nhưng số ca mắc mới trong 6 tháng qua bằng với tổng số ca bệnh được báo cáo với WHO trong cả năm 2023.

Nguyên nhân là do sự xuất hiện một biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ gây tử vong cao đang lây lan nhanh chóng ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo và một số quốc gia lân cận như Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda vốn những nơi chưa từng ghi nhận ca mắc trước đó. Trong khi đó, các chủng khác vẫn tiếp tục lưu hành ở Trung và Đông Phi, và các khu vực khác của lục địa này. Từ đầu năm nay, 13 quốc gia ở châu Phi ghi nhận tổng cộng hơn 17.000 ca nhiễm, gồm hơn 500 ca tử vong. Trẻ em dưới 15 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chiếm gần 70% số ca mắc và 85% số ca tử vong.

AP dẫn lời Giáo sư Macintyre về an toàn sinh học tại Viện Kirby (Úc) cho biết: “Trước đây, bệnh lây lan trong gia đình khi một người mắc bệnh, những người khác trong gia đình sẽ bị nhiễm. Giờ đây, phạm vi lây lan trong đợt bùng phát này lớn hơn nhiều”. Chủ tịch Ủy ban Tình trạng khẩn cấp của WHO Dimie Ogoina lưu ý rằng, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại với số ca mắc không ngừng gia tăng nhanh chóng là điều bất thường.

Song, tình hình dịch bệnh ở châu Phi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì thế giới chưa nhìn nhận ra hoặc chưa có bức tranh đầy đủ về gánh nặng bệnh đậu mùa khỉ. Tổ chức Save the Children cho biết, sự giống nhau giữa một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh thông thường khác ở trẻ em - chẳng hạn như ghẻ và thủy đậu - có thể dẫn đến việc phát hiện và điều trị muộn, làm tăng khả năng lây truyền bệnh. Trong tình hình cấp bách này, rõ ràng cần có phản ứng quốc tế phối hợp để ngăn chặn các đợt bùng phát và cứu thêm nhiều sinh mạng.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh

WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai loại vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ và phát triển các kế hoạch ứng phó ở cấp độ khu vực. Hiện có nửa triệu liều vắc-xin trong kho và có thể sản xuất thêm 2,4 triệu liều nữa vào cuối năm. Congo và Nigeria sẽ là những quốc gia đầu tiên tiếp nhận vắc-xin.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch mua và tặng 175.420 liều vắc-xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ MVA-BN cho châu Phi. Ngoài ra, Công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic có trụ sở tại Đan Mạch cũng viện trợ 40.000 liều vắc-xin cho Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp về y tế (HERA) thuộc Ủy ban châu Âu.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang cung cấp kinh phí, hỗ trợ vắc-xin cho WHO và Congo để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh ở “lục địa đen”. Thuốc kháng virus tecovirimat (TPOXX), ban đầu dùng để điều trị bệnh đậu mùa, đang được nghiên cứu để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng đã chấp thuận JYNNEOS, loại vắc-xin đậu mùa, dành cho các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng ở những người từ 18 tuổi trở lên.

Các chuyên gia WHO nhấn mạnh, vắc-xin chỉ là một phần của phản ứng. Việc ngăn chặn sự lây lan cũng đòi hỏi tăng cường giám sát, chẩn đoán và nghiên cứu để lấp đầy “những khoảng trống trong hiểu biết về căn bệnh này”. Giám đốc bộ phận phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó dịch bệnh của WHO, bà Maria van Kerkhove, khẳng định, thế giới có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh kịp thời bằng nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp tiếp cận đúng thời điểm, trong đó chú trọng hợp tác quốc tế trong việc tài trợ, nỗ lực dập tắt đợt bùng phát này và tăng cường tài trợ cho nghiên cứu để hiểu rõ hơn về biến thể mới Clade Ib và sự lây lan của nó.

Thực tế, dù năng lực giám sát sức khỏe cộng đồng toàn cầu đã cải thiện đáng kể khi các nước đã rút kinh nghiệm thực tiễn từ giai đoạn Covid-19, nhưng việc chẩn đoán nhanh chóng và tiếp cận các phương pháp điều trị thay thế vẫn còn thiếu ở các quốc gia châu Phi.

Đây là PHEIC thứ hai liên tiếp trong vòng hai năm về bệnh đậu mùa khỉ, cho thấy tình hình đang diễn biến xấu ở châu Phi và có nguy cơ lan rộng ra quy mô toàn cầu. Trước đó tháng 7-2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là PHEIC và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11-2022 và tháng 2-2023. Tháng 5-2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo quy định y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.

Do vi-rút Orthopox gây ra, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh này được coi là đặc hữu ở các nước Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ nhưng bắt đầu lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ năm 2022. Bệnh có đặc trưng bởi hai nhánh di truyền I và II. Nhánh I là nhóm rộng các loại virus tiến hóa trong nhiều thập niên và là nhóm di truyền và lâm sàng riêng biệt. Nhánh II xuất hiện trong đợt bùng phát vào năm 2022. Tuy nhiên, biến thể mới Clade Ib gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, dường như dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần gũi thường xuyên.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.