Việc chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Mỹ đề ra và triển khai cách đây khoảng một thập niên, với mục tiêu xây dựng “năng lực tập thể” với các đồng minh và đối tác để đối phó với nhiều thách thức đang trỗi dậy mạnh mẽ có tác động không nhỏ đến lợi ích sống còn của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, việc tiếp cận các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để hình thành lực lượng có cùng mục tiêu, lợi ích với Mỹ nhằm bảo đảm an ninh, nhất là an ninh hàng hải, chính trị và lợi ích kinh tế-xã hội, không phải là chuyện dễ dàng trong một sớm, một chiều mà luôn gặp những trắc trở cả chủ quan lẫn khách quan.
Yếu tố khách quan đậm nét chính là xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết. Song, có lẽ tại Trung Đông, nơi Mỹ có nhiều thập niên chốt chặn sâu rộng kể từ sau Thế chiến 2 cả về chính trị, quân sự, kinh tế... bắt đầu suy giảm mạnh mẽ. Đáng chú ý, lực lượng đồn trú của Mỹ, hay sự “nắm quyền chi phối” của nhiều quốc gia ở Trung Đông, bị thu hẹp rất nhiều. Cùng với đó là các lực lượng ở nhiều nước trong khu vực như Iran, Syria, Yemen, Lybia, Iraq... sau loạt “cuộc cách mạng màu” bị phân hóa sâu sắc và trở thành lực lượng đối đầu với Mỹ và Israel, đồng minh số 1 của Washington tại Trung Đông, càng trở nên quyết liệt.
Đáng chú ý, kể từ tháng 10-2023, thời điểm nổ ra xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza, “chảo lửa” Trung Đông trở nên nóng bỏng chưa từng có. Hàng loạt các “biến cố” làm gia tăng lực lượng chống Mỹ và Israel, ngoài Hamas đến nay còn có Hồi giáo Palestine (PIJ), Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen… Đặc biệt mới đây là Iran, cường quốc quân sự trong khu vực, tuyên bố sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhằm vào Israel khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran ngay sau khi dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Có thể nói, những tuyên bố đáp trả đang tạo thành “vòng vây lửa” xung quanh Israel và có nguy cơ trở thành cuộc chiến toàn diện lan ra cả khu vực.
Vì thế, để bảo vệ đồng minh chủ chốt trước nguy cơ tấn công, Mỹ tung ra lực lượng quân sự hùng hậu vào Trung Đông vốn được cho là chưa từng có kể từ sau chiến tranh Iraq năm 2003. Theo CNN, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Michael Kurilla, buộc phải tới ngay Trung Đông để thị sát tình hình và tìm giải pháp đối phó. Ngày 4-8, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant với nội dung xoay quanh sự hỗ trợ của Washington dành cho Tel Aviv trước sự đe dọa của Iran. Trong khi đó, cùng ngày, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Finer cho biết Mỹ đang chuẩn bị ứng phó với mọi khả năng có thể xảy ra ở Trung Đông, bao gồm các cuộc tấn công nhắm tới Israel và cuộc xung đột khu vực. Theo đó, Mỹ cử nhóm tác chiến tàu sân bay, phi đội máy bay chiến đấu và các tàu chiến bổ sung tới Trung Đông. Ngoài ra, các tàu khu trục và tàu tuần dương có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo cũng sẽ được điều tới Trung Đông và Địa Trung Hải.
Như vậy, kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, Mỹ dồn nguồn lực không hề nhỏ từ tiền bạc, vũ khí cho Israel, gia tăng sức mạnh cho lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực. Rõ ràng, việc cắt giảm hay rút chân ra khỏi châu Âu hay Trung Đông đối với Mỹ không còn là chuyện dễ dàng như khi đề ra kế hoạch chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những thay đổi địa chiến lược đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ khi mà xung đột ở Ukraine chưa được giải quyết trong khi “chảo lửa” Trung Đông vẫn luôn âm ỉ khối thuốc súng khổng lồ có thể bùng lên bất cứ lúc nào, khi mà các bên liên quan vẫn chưa tìm lối thoát. Hiện, Mỹ dường như không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước các cuộc xung đột nói trên vì dù có chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng Trung Đông vẫn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của một siêu cường như Mỹ.
LÊ MINH HÙNG