Câu chuyện về bữa ăn miễn phí ở Indonesia

.

Bên cạnh trẻ mẫu giáo và học sinh, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú cũng như trẻ mới biết đi nằm trong số những đối tượng mở rộng được hưởng lợi từ chương trình bữa ăn miễn phí của Chính phủ Indonesia.

Cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh là một trong những cam kết hàng đầu của cặp liên danh tranh cử Prabowo Subianto và Gibran Rakabuming Raka trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia năm 2024. Sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto bắt tay thực hiện sáng kiến chủ đạo này.

Theo Antara, dự án đặc biệt này ban đầu được gọi là chương trình “Bữa trưa miễn phí”. Chương trình chỉ áp dụng cho trẻ mẫu giáo cũng như học sinh tiểu học, THCS, THPT, cũng như học sinh theo học tại các trường tôn giáo nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Theo đó, chương trình này sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho 82 triệu học sinh trong cả nước vào năm 2029. Trao đổi với báo giới hồi tháng 5-2024, Thứ trưởng Bộ Phát triển con người, Xã hội và Văn hóa Indonesia Amich Alhumami cho biết, chính phủ đã xem xét và phân tích ngân sách ở mức khoảng 20.000 rupiah (Rp) đến 21.000 Rp cho mỗi suất ăn của học sinh. Ngân sách này cao hơn ước tính trước đây của chính phủ là 15.000 Rp cho mỗi suất ăn của trẻ, sau khi xem xét giá trị dinh dưỡng của các bữa ăn. Thực đơn bữa trưa miễn phí sẽ đa dạng và bao gồm cả sữa uống để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Tháng 5-2024, sáng kiến này được đổi tên thành chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí (MBG). Ngày 27-8, trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati tuyên bố, chương trình sẽ được mở rộng sang nhiều đối tượng, với mục tiêu cải thiện tiêu chuẩn dinh dưỡng, tăng cường phát triển nhận thức cũng như chống lại tình trạng còi cọc. Antara dẫn lời bà Indrawati cho biết, chính phủ đã phân bổ 197.800 tỷ Rp (12,8 tỷ USD) cho ngân sách y tế trong năm tới, ưu tiên phòng ngừa còi cọc.

Báo cáo tài chính năm 2025 nêu rõ mục tiêu của chương trình MBG là đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh. Chương trình sẽ cung cấp thực phẩm dinh dưỡng và sữa miễn phí tại các trường học, cũng như hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ mới biết đi, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú có nguy cơ còi cọc. Điều này dự kiến cải thiện tỷ lệ học sinh đến trường và kết quả học tập của học sinh.

MBG sẽ được triển khai thông qua các bếp ăn công cộng, có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) địa phương. Với ngân sách khoảng 71.000 tỷ Rp (4,4 tỷ USD), tương đương 0,29% GDP của Indonesia, chương trình này chi trả cho chi phí thực phẩm, phân phối và chi phí hoạt động của Cơ quan Dinh dưỡng Quốc gia mới được thành lập. Chương trình này cũng dự kiến tạo hiệu ứng kinh tế theo cấp số nhân. Ngoài cải thiện nguồn nhân lực, MBG dự kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 0,10 % và tạo khoảng 0,82 triệu việc làm thông qua việc trao quyền cho các MSME. Chương trình hiện đang được thí điểm tại Jakarta, Tây Java, Trung Java và Đông Java trước khi triển khai rộng rãi vào năm tới.

Theo Jakarta Post, chính quyền Jakarta lên kế hoạch sắp xếp cho con em các gia đình có thu nhập thấp được học miễn phí tại 1.000 trường tư thục trong năm học tới, khi trường công lập thường không đủ chỗ. Chính sách này đã triển khai tại khoảng 400 trường THCS và THPT trong năm nay và Jakarta dự kiến mở rộng số trường tham gia vào năm tới. Đây có thể được coi là giải pháp hữu hiệu để các nước tham khảo trong nỗ lực hướng tới việc bảo đảm quyền được học tập của mọi công dân bất kể giàu nghèo.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.