Động thái thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Biển Đỏ

.

Ngày 23-8, tờ Izvestia (Nga) dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Nga tại Sudan cho biết, Nga đang tiến hành kế hoạch thành lập căn cứ hải quân trên bờ biển của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, kế hoạch này khiến Mỹ lo ngại bởi đây là động thái chiến lược có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Biển Đỏ.

Theo Đại sứ quán Nga tại Sudan, thỏa thuận giữa hai nước về thành lập trung tâm hỗ trợ hậu cần cho lực lượng hải quân Nga trên lãnh thổ Sudan vẫn có hiệu lực. Đại sứ quán Nga nhấn mạnh, Sudan “liên tục bác bỏ những thông tin từ phương Tây về ý định phá vỡ thỏa thuận hiện có” với Nga. Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Vasily Dandykin, cho rằng trung tâm hỗ trợ hậu cần ở Sudan sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho hải quân Nga. Căn cứ này sẽ là nơi dừng chân và tiếp tế thuận tiện hơn cho các tàu chiến mặt nước của Nga quá cảnh từ Ấn Độ Dương hoặc Vịnh Aden đến Địa Trung Hải tránh phải vòng lên Biển Đỏ, qua Kênh đào Suez, hay đi qua đông Địa Trung Hải. Nếu có khả năng hỗ trợ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, căn cứ ở Sudan có thể trở thành điểm mới quan trọng đối với tàu ngầm hạt nhân Nga, cho phép Moscow triển khai lực lượng về phía đông, Biển Arab và Ấn Độ Dương, mở rộng hiện diện hải quân tại những khu vực trọng yếu.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa thỏa thuận giữa Nga và Sudan đang đối mặt một số khó khăn. Đầu tiên là cuộc nội chiến leo thang ở Sudan kể từ tháng 4-2023 do những bất đồng, xung đột lợi ích chính trị giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) dưới quyền Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Do cạn kiệt nguồn lực, các bên nhiều lần đàm phán nhưng không đạt được bất cứ tiến bộ nào.

Theo Izvestia, trong những tháng gần đây, Mỹ tích cực tham gia vào việc ngăn chặn thỏa thuận hợp tác Nga - Sudan, gây áp lực buộc chính quyền của Tướng Al-Burhan phải từ bỏ sự hiện diện quân sự của Nga ở nước này. Chuyên gia quân sự Vasily Dandykin cho rằng, Mỹ rõ ràng không mong muốn sự hiện diện của một căn cứ quân sự Nga ở Sudan để có thể tiếp tục kiểm soát các vùng biển chiến lược.

“Mỹ có nhiều căn cứ quân sự rải rác khắp thế giới. Điều này quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Mỹ và xứng đáng với số tiền mà Mỹ đầu tư. Tuy nhiên, việc Nga không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại các địa bàn cạnh tranh chiến lược, nhất là châu Phi, sẽ khiến Mỹ đặc biệt quan tâm, lo ngại”, ông Vasily Dandykin nói với Izvestia. Trong bối cảnh Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở châu Phi sau làn sóng đảo chính ở Niger, Mali, Burkino Faso và gần đây nhất là Cộng hòa Chad, việc Nga xây dựng căn cứ hải quân ở Sudan sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế quốc tế, cũng như lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Phi nói riêng, thế giới nói chung.

Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Biển Đỏ ngày càng được các nước lớn trong và ngoài khu vực quan tâm. Ở Djibouti, trên bờ Biển Đỏ, không chỉ có Mỹ mà còn có sự hiện diện các căn cứ của Trung Quốc, Anh, Pháp, Ý và Nhật Bản. Saudi Arabia, quốc gia đóng vai trò giám sát các cuộc đàm phán hòa bình ở Sudan, cũng đang giành sự quan tâm nhất định đến việc duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực.

Theo Nikolai Shcherbkov, nhà nghiên cứu chính tại Viện châu Á và châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moscow, cho rằng việc Nga thành lập căn cứ quân sự tại Sudan sẽ ngay lập tức thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Việc có được một căn cứ chiến lược ở Biển Đỏ trong điều kiện hiện tại là rất quan trọng, nhất là khi lực lượng Houthi ở Yemen có thể phong tỏa khu vực này bất cứ lúc nào. Nhưng nếu cho phép mở căn cứ hải quân Nga đồng nghĩa với việc chính quyền của Tướng Al-Burhan thừa nhận mối quan hệ “đồng minh chính thức” Nga - Sudan. Điều này có thể làm khó quyền lực chính trị của Tướng Al-Burhan bởi ông đang phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các cường quốc trong việc giải quyết xung đột. Trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp ở Biển Đỏ liên quan đến hoạt động của Houthi, Sudan buộc phải cẩn thận hơn trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của mình để không làm “mất lòng” các cường quốc đồng minh.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.