Google và tai tiếng độc quyền

.

Google bị tuyên vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ khi chi tiền để công cụ tìm kiếm của họ mặc định trên điện thoại, trình duyệt và các thiết bị khác. Phán quyết mang tính bước ngoặt này có khả năng tái định hình cách hàng triệu người tiếp cận thông tin trực tuyến và lật đổ sự thống trị trong nhiều thập niên của “ông lớn” này.

“Google là nhà độc quyền”, CNN dẫn tuyên bố trong phán quyết của thẩm phán Amit P. Mehta tại tòa án quận Columbia (Mỹ) ngày 5-8 khi khẳng định Google đã hành động bất hợp pháp để duy trì sự độc quyền trong tìm kiếm trực tuyến. Thẩm phán Mehta cho biết, phán quyết nghiêm khắc này nhằm vào sự trỗi dậy của các công ty công nghệ khổng lồ vốn sử dụng nguồn gốc từ internet để tác động đến cách mọi người mua sắm, sử dụng thông tin và tìm kiếm trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ ca ngợi chiến thắng pháp lý trước Google cho thấy không một công ty nào có thể đứng trên luật pháp dù có tầm ảnh hưởng rất lớn. 

Phán quyết này kết thúc vụ kiện dai dẳng giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Google. Trước đó, năm 2020, Bộ Tư pháp và các bang khởi kiện, cáo buộc tập đoàn này củng cố vị trí thống trị bất hợp pháp, một phần bằng cách trả cho các công ty khác như Apple và Samsung hàng tỷ USD mỗi năm để tự động xử lý các truy vấn tìm kiếm trên điện thoại thông minh và trình duyệt web của họ. Google cũng chi số tiền “khủng” để trở thành công cụ tìm kiếm tự động trên các trình duyệt như Safari của Apple và Firefox của Mozilla. Theo ước tính, công cụ tìm kiếm Google kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến, 95% trên điện thoại thông minh, và cùng với Facebook, gần như thống trị thị trường quảng cáo đầy béo bở. Google cũng bị cáo buộc tăng giá một số quảng cáo tìm kiếm bất hợp pháp để tối ưu doanh thu.

The New York Times dẫn lời Rebecca Haw Allensworth, Giáo sư nghiên cứu về chống độc quyền tại trường luật của Đại học Vanderbilt (Mỹ), nhận định: “Đây là vụ kiện chống độc quyền quan trọng nhất thế kỷ và là vụ đầu tiên trong số nhiều vụ kiện lớn chống lại Big Tech. Đó là bước ngoặt lớn”. Theo đó, nó có thể là chỉ báo cho các vụ kiện chống độc quyền tiếp theo của Chính phủ Mỹ nhắm các “ông lớn” khác như Apple, Amazon và Meta - chủ sở hữu của Facebook, Instagram và WhatsApp, qua đó có thể thay đổi căn bản cách họ kinh doanh. Phán quyết chống độc quyền quan trọng gần đây nhất chống lại một Big Tech là phán quyết nhắm vào Microsoft từ hơn hai thập niên trước.

Trong khi đó, Google luôn khẳng định sự “trong sạch” của mình trước những cáo buộc này khi nhấn mạnh rằng không ai buộc phải sử dụng các sản phẩm của họ. Kent Walker, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, cho biết, công ty sẽ kháng cáo, đồng thời tiếp tục tập trung tạo ra các sản phẩm hữu ích cho người dùng.

Phán quyết ngày 5-8 giáng đòn mạnh vào tương lai phát triển sản phẩm cốt lõi của Google vào thời điểm cực kỳ quan trọng khi họ đang xem xét tính phí các tính năng cao cấp trên công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) của mình. Một số nhà phê bình cảnh báo, sự độc quyền tìm kiếm của Google, được nuôi dưỡng bởi nguồn cung cấp truy vấn tìm kiếm của người dùng không bao giờ cạn kiệt, có thể cho phép Google nhảy vọt lên vị trí thống trị về AI với các mô hình tốt nhất. Như vậy, vụ kiện chống lại Google lần này cho thấy những tác động sâu rộng vượt ra ngoài phạm vi tìm kiếm truyền thống và có thể định hình tương lai của một công nghệ mang tính chuyển đổi.

Google có thể đối diện với các hình phạt nào?. Phán quyết này có thể mở đường cho phiên tòa tiếp theo để xác định các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo CNN, tòa án có thể buộc Google triển khai “màn hình lựa chọn” cho phép người dùng biết về các công cụ tìm kiếm khả dụng khác, theo Giáo sư luật Rebecca Allensworth của Đại học Vanderbilt. Công ty này cũng có khả năng phải đối mặt với khoản tiền phạt mặc dù chúng chỉ như “muối bỏ bể” đối với một công ty lớn và rất có lợi nhuận như Google. Trong khi đó, giới chuyên gia chống độc quyền của Mỹ cũng không loại trừ khả năng Alphabet, công ty mẹ của Google, bị chia tách thành nhiều công ty nhỏ, hoặc phải “đóng” một số cơ chế kinh doanh. Lùm xùm pháp lý vẫn còn đeo bám Google khi họ phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền liên bang khác về công nghệ quảng cáo dự kiến ​đưa ra xét xử vào tháng 9-2024.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.