Hạn hán nghiêm trọng gây khủng hoảng lương thực ở châu Phi

.

Hiện tượng El Nino khiến châu Phi đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 4 thập niên qua, buộc nhiều quốc gia như Zimbabwe, Zambia và Malawi tuyên bố cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là tình trạng thảm họa, trong khi Lesotho và Namibia kêu gọi cộng đồng quốc tế gấp rút hỗ trợ nhân đạo.

Theo CNN, nhiệt độ gia tăng khắc nghiệt, trong khi đó lượng mưa ít kéo theo nước cho sinh hoạt và cây trồng sụt giảm, rừng bị khô cằn trên diện rộng đã tác động nặng nề tới đời sống, sản xuất của người dân.

Theo số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ), khoảng 70% dân số ở nam châu Phi vốn sống phụ thuộc vào nền nông nghiệp dựa trên lượng mưa tự nhiên đã “bị xóa sổ” mùa màng do thiếu mưa. Zambia đang là quốc gia gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt hạn hán này. Hơn 9 triệu người, gần một nửa dân số Zambia đang thiếu lương thực và cần hỗ trợ nhân đạo. Namibia ở tây nam châu Phi cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 5-2024 do hạn hán nghiêm trọng. Ước tính khoảng 1/2 dân số quốc gia, tương đương 1,4 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do mùa màng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt đối với các loài động vật, nhất là động vật hoang dã, động vật quý hiếm của châu Phi đang sinh sống trong các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên cũng đứng trước nguy cơ bị hủy diệt chưa từng có do tác động của thiên nhiên và do cả sự quyết định của các cấp có thẩm quyền để cứu sống con người trước nạn đói đe dọa. Tại Kenya, do hạn hán bất thường, voi và động vật hoang dã ở nước này đã chết hàng loạt. Đặc biệt, Namibia là nơi sinh sống của hơn 200.000 con voi cũng đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất 100 năm qua. Năm ngoái, nước này ghi nhận có hàng trăm cá thể voi chết do nguồn nước cạn kiệt.

Theo CNN, ngày 26-8, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch Namibia thông báo sẽ cho săn hơn 700 cá thể động vật hoang dã để lấy thịt phân phối cho những người đang phải vật lộn để kiếm thức ăn. Kế hoạch này cũng nhằm giảm áp lực lên nguồn nước hiện có ở các khu vực nơi số lượng động vật hoang dã sinh sống áp đảo nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột không kiểm soát được giữa voi và con người, khi loài vật này đi tìm thức ăn, nước uống trong đợt hạn hán. Các thợ săn chuyên nghiệp sẽ được phép bắn hạ 83 con voi, cùng 30 con hà mã, 60 con trâu, 50 con linh dương impala, 100 con linh dương đầu bò và 300 con ngựa vằn tại các công viên quốc gia và khu vực săn bắn truyền thống khác.

Tình trạng này cho thấy mức độ hạn hán ở châu Phi là đặc biệt nghiêm trọng, khi chính quyền buộc phải săn bắn các động vật hoang dã quý hiếm nằm trong diện bảo tồn để cứu sống con người cũng như tránh xảy ra xung đột do tranh chấp nguồn nước, thức ăn. Đây là nỗi đau không thể bù đắp được, khi các loài động vật hoang dã rất cần sự bảo vệ, chăm sóc của con người để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Hạn hán bắt đầu từ đầu năm 2024 với mức độ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, đẩy khoảng 68 triệu người, tương đương khoảng 17% dân số các nước miền nam châu Phi rơi vào tình cảnh thiếu thốn lương thực. AP dẫn lời bà Reena Ghelani, điều phối viên về khủng hoảng khí hậu của LHQ phụ trách ứng phó với El Nino, cảnh báo tình trạng khô hạn kéo dài và hạn hán thường xuyên trên khắp châu Phi trong những năm tới do biến đổi khí hậu. Cơ quan điều phối cứu trợ khẩn cấp của LHQ đã phân bổ 13,5 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) để tăng cường hỗ trợ giải quyết hạn hán do El Nino gây ra ở miền nam châu Phi. Tuy nhiên, WFP đang đối mặt với thách thức trong việc huy động 400 triệu USD cho hoạt động ứng phó hạn hán ở nam châu Phi khi chỉ kêu gọi được 1/5 số tiền cần thiết để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực ứng phó tác động của hạn hán do các nhà tài trợ cắt giảm.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.