Hiệu quả từ mô hình phát triển chất lượng cao của Trung Quốc

.

Trong hơn một thập niên, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trên trường quốc tế là rất đáng chú ý, phần lớn là nhờ mô hình phát triển tập trung vào tăng trưởng chất lượng cao, đánh dấu bước chuyển khỏi giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất đồ điện tử tại một nhà máy ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất đồ điện tử tại một nhà máy ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo Global Times, mô hình phát triển chất lượng cao đã trở thành yêu cầu quan trọng khi xây dựng chính sách kinh tế, dẫn đến những thay đổi sâu rộng, bao gồm thúc đẩy tiến bộ công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, năng lực đổi mới, nâng cấp công nghiệp, hợp tác khu vực và khả năng tiếp cận thị trường rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ngày càng chú trọng vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới và cao cấp hàng đầu thế giới để bảo đảm sự phát triển toàn diện của đất nước. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn, nước này cũng đạt được những đột phá trong AI, robot cao cấp, vật liệu mới và các lĩnh vực công nghệ cao khác.

Nhờ sự thúc đẩy đổi mới của các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc, ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc không ngừng được cải thiện. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã tăng về số lượng và nâng cấp quản lý cũng như sự tinh vi của sản phẩm, đồng thời ngày càng có năng lực và sức cạnh tranh trong việc giành thị phần toàn cầu. Chuỗi cung ứng nội địa rộng lớn của nước này đang trở thành chuỗi tiên tiến nhất thế giới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, đơn cử các thương hiệu xe điện, có thị phần lớn hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.

Nền kinh tế số của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, với các ngành công nghiệp mới, hình thức mới và mô hình mới đang định hình lại cốt lõi của nền kinh tế quốc gia. Từ thương hiệu “Made in China” đến “Đổi mới sáng tạo của Trung Quốc” và bây giờ là “Sản xuất thông minh của Trung Quốc” trở thành biểu tượng sáng ngời cho sự phát triển chất lượng cao trong kinh tế nước này. Song song với nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng GDP lành mạnh hằng năm, Trung Quốc cũng ưu tiên phát triển xanh thông qua phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo và ghi nhận thành công đáng kinh ngạc trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Theo đó, với việc triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, sáng tạo và triệt để, nhiều thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh, đang nổi lên là đô thị điển hình về giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, cải thiện chất lượng không khí, hướng đến môi trường trong sạch hơn cho người dân.

Bằng cách liên kết tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới công nghệ, tính bền vững của môi trường và hòa nhập xã hội, cách tiếp cận phát triển của Trung Quốc được thế giới đánh giá cao, đặc biệt là các nước Nam bán cầu. Trung Quốc kỳ vọng rằng thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhiều nền kinh tế đang phát triển có thể được hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng này của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Global Times, Zepp-LaRouche, người sáng lập viện nghiên cứu Schiller Institute có trụ sở tại Đức, nhận định thành công về kinh tế của Trung Quốc không chỉ giúp hàng trăm người dân thoát khỏi đói nghèo, mà còn cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia ở Nam Bán cầu để hiện thực hóa mục tiêu tương tự.

Theo giới chuyên gia, ý nghĩa cụ thể của phát triển chất lượng cao vẫn là một khái niệm đang được xây dựng, nhưng nó đã được thể hiện rõ trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm chống lại sự mất cân bằng về môi trường, xã hội và khu vực từ bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao liên tiếp. Do đó, mô hình phát triển chất lượng cao của Trung Quốc tập trung vào con người, không phải vào nguồn vốn. Mặc dù dân số già hóa đặt ra những thách thức, nhưng nguồn nhân lực dồi dào lại là lợi thế đáng kể, với mỗi cá nhân đóng vai trò là nguồn đổi mới. Bằng cách liên tục tăng đầu tư vào giáo dục và nắm bắt các cơ hội do làn sóng cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới mang lại, Trung Quốc có thể tiếp tục tạo ra các khoản cổ tức nhân khẩu học bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Du lịch Trung Quốc khởi sắc mạnh mẽ 
Việc nới lỏng quy chế cấp thị thực, tăng số lượng các quốc gia được hưởng quy chế miễn thị thực quá cảnh, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ Trung Quốc đã phát huy tác dụng trong thu hút khách quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch khởi sắc mạnh mẽ. Theo Cục Quản lý di dân quốc gia Trung Quốc (NIA), trong nửa đầu năm 2024, nước này ghi nhận khoảng 14,64 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, hơn 8,54 triệu lượt được tạo điều kiện thông qua chính sách miễn thị thực, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2023. “Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn nữa để khuyến khích giao lưu nhân dân và mang đến cho khách nước ngoài trải nghiệm tốt hơn”, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tạ Phong, trao đổi với Newsweek.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.