Hungary và EU thêm bất đồng

.

Việc Hungary đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và kiểm tra an ninh đối với lao động đến từ Nga và Belarus dấy lên quan ngại từ Liên minh châu Âu (EU) về rủi ro an ninh, đồng thời càng khoét sâu chia rẽ nội khối vốn đã đầy bất đồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc gặp ở Moscow ngày 5-7.Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc gặp ở Moscow ngày 5-7.Ảnh: AFP

Quyết định của Hungary tiếp tục khiến các nước thành viên khác trong “mái nhà chung” EU thêm khó chịu, phủ bóng nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU từ nay đến hết tháng 12-2024.

Lời trấn an từ Hungary

Theo DW, chương trình nới lỏng thị thực của Hungary cho phép công dân từ 8 nước (gồm Bosnia và Herzegovina, Serbia, Ukraine, Bắc Macedonia, Montenegro, Moldova, Nga, Belarus) nộp đơn xin cấp “thẻ căn cước” để có thể làm việc tại Hungary trong 2 năm, mà không cần kiểm tra hồ sơ an ninh và có thể đưa thân nhân đi cùng. Sau 3 năm, những lao động này có thể làm hồ sơ xin giấy phép lưu trú vĩnh viễn.

Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra cùng thời điểm Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga vào đầu tháng 7-2024. Điều đáng chú ý là trong danh sách có Nga và Belarus, những nước đang chịu các biện pháp trừng phạt của EU liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Quyết định này không chỉ cho phép số lượng lớn người Nga và Belarus có thể nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ di chuyển tại các nước thuộc khu vực phi thị thực Schengen mà ít chịu sự kiểm soát. Vốn được mệnh danh là “viên ngọc quý” của châu Âu, Schengen - khu vực di chuyển tự do lớn nhất thế giới - gồm 29 nước châu Âu, trong đó có Hungary, kết nối các khu vực cốt lõi của EU.

Theo Euro News, Chính phủ Hungary có động thái trấn an ban đầu khi cho biết chương trình nói trên hoàn toàn phù hợp chiến lược tái công nghiệp hóa, đặc biệt giữa lúc nước này đang mở rộng cửa hơn để chào đón nguồn nhân lực nước ngoài nhằm giảm tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang tác động đến tăng trưởng kinh tế. Theo chính sách mới, những công nhân từ Nga được tuyển dụng vào các dự án xây dựng nhà máy hạt nhân ở Hungary với nhà thầu chính là tập đoàn Nga Rosatom và sử dụng công nghệ mà Thủ tướng Orban đã yêu cầu miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt. Thực tế, công dân Nga và Belarus vẫn cần thị thực để được vào Hungary cũng như khu vực Schengen và việc cư trú cho công dân hai nước này cũng cần được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.

Vì sao EU lo ngại?

Bất chấp lời phân trần của Hungary, giới chức EU vẫn tỏ ra quan ngại về nguy cơ tiềm ẩn đằng sau quyết định của nước này. Theo Euro News, ngày 3-8, Ủy ban châu Âu yêu cầu Hungary giải thích về quyết định gần đây liên quan đến việc nới lỏng quy định cấp thị thực cho công dân Nga và Belarus. Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc lách luật các quy định của EU và làm suy yếu các tiêu chuẩn an toàn trên toàn khu vực Schengen. Thực tế, quyết định này không được chú ý cho đến khi Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu, yêu cầu thảo luận ở cấp lãnh đạo về vấn đề này. Ông Weber cho rằng, quy định mới này có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và “tạo lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp”. Đáp lại, người phát ngôn của Thủ tướng Hungary bác bỏ mọi cáo buộc của ông Weber, mô tả quan điểm này là vô lý, đồng thời lập luận rằng hệ thống nhập cư của Hungary nghiêm ngặt nhất trong EU.

Trước làn sóng tranh cãi xung quanh vấn đề này, Ủy ban châu Âu (EC) vào cuộc để giải quyết cuộc tranh cãi. Theo EC, các quốc gia thành viên có thẩm quyền cấp thị thực lưu trú dài hạn và giấy phép cư trú. Tuy nhiên, chính sách phải được xem xét cẩn thận để không gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của khu vực chung và việc kiểm soát biên giới nội bộ, đồng thời phải cân nhắc đúng mức các tác động tiềm ẩn về an ninh. Theo Euro News, thời hạn để Budapest trả lời các câu hỏi của EC là ngày 19-8. Sau đó, cơ quan này sẽ tiến hành đánh giá và xác định liệu chương trình nới lỏng thị thực của Hungary có tương thích với luật pháp EU hay gây nguy hiểm cho hoạt động chung của khu vực Schengen; những lao động được Hungary cấp thẻ căn cước có gây ra mối đe dọa đối với chính sách công, an ninh nội bộ, sức khỏe cộng đồng hay quan hệ quốc tế hay không?. Trong kịch bản đáng tiếc nhất, EC có thể đình chỉ tư cách thành viên Schengen của Hungary. Tuy nhiên, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Hungary là thành viên duy nhất của EU giữ mối quan hệ gần với Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Lâu nay, ông Orban thường bất đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo EU khác khi từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine và thường xuyên trì hoãn, phớt lờ hoặc ngăn chặn nỗ lực gửi viện trợ tài chính cho Ukarine cũng như việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Sau chuyến thăm của ông Orban đến Nga và Trung Quốc, EC lập tức đáp trả bằng cách tẩy chay các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của EU và Hungary, trong khi các thành viên của Nghị viện châu Âu kêu gọi tước bỏ quyền bỏ phiếu của quốc gia này tại Hội đồng EU. Rõ ràng, làn sóng chỉ trích tồn tại ngay trong nội bộ “mái nhà chung” này càng khiến cho nhiệm kỳ của Hungary thêm lu mờ một cách đáng tiếc.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.