Ngay sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phải đối mặt với loạt thách thức vô cùng nghiêm trọng ở trong nước và khu vực. Đặc biệt, câu hỏi lớn được đặt ra là có đáp trả Israel bằng hành động quân sự hay không?
Đến nay, The Guardian tiết lộ các nguồn tin của Mỹ và Israel nhận định rằng, Iran vẫn đang quyết định về quy mô và phạm vi phản ứng sau hàng loạt các áp lực ngoại giao đáng kể nhằm tránh thương vong cho dân thường. Động thái đó dường như phản ánh đúng tinh thần khi mới đắc cử ông Pezeshkian khẳng định rằng Iran sẽ tạo dựng mối quan hệ cân bằng với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Trong đó sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược quan trọng là Trung Quốc và Nga, bình thường hóa quan hệ với các nước châu Âu, đồng thời hướng tới thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia ở Nam bán cầu, châu Phi và Mỹ Latinh. Điều đó cũng nhất quán với lập trường của ông Pezeshkian trong suốt chiến dịch tranh cử rằng: “Nếu chúng ta muốn phát triển và cải thiện thế giới, chúng ta càng phải có mối liên hệ tốt hơn với thế giới. Chúng ta sẽ bắt đầu với những người hàng xóm của mình rồi tiến xa nhất có thể”.
Để hiện thực hóa chính sách đối ngoại “cân bằng và lợi ích”, ngày 18-8 Tổng thống Pezeshkian đề cử ông Abbas Araghchi (61 tuổi) vào vị trí tân Ngoại trưởng Iran. Ông Araghchi, nhà ngoại giao kỳ cựu theo đường lối thực dụng, từng giữ cương vị nhà đàm phán chính trong tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới suốt giai đoạn 2013 - 2021.
Theo IRNA, ngày 19-8, phát biểu trước Quốc hội Iran, ông Araghchi trình bày quan điểm của mình đối với chính sách đối ngoại của Iran, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc, Nga và các quốc gia đã hỗ trợ Iran vượt qua các lệnh trừng phạt, cũng như các cường quốc mới nổi ở châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Á, sẽ đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Iran. Ông Araghchi cũng cam kết tăng cường xây dựng quan hệ với các nước láng giềng và kết nối cơ sở hạ tầng của Iran với các nước này.
Đối với châu Âu, ông Araghchi cho rằng việc cải thiện quan hệ sẽ phụ thuộc vào việc châu Âu điều chỉnh lập trường “không đúng đắn và thù địch” của họ đối với Iran. Về quan hệ với Mỹ, ông Araghchi nhấn mạnh chiến lược kiềm chế hành vi thù địch của Washington và các đồng minh, trong khi nỗ lực giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Iran sẽ không ngừng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine và các phong trào kháng chiến trong khu vực, bao gồm cả Hezbollah ở Lebanon.
Trong diễn biến liên quan, Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cho biết, cơ quan pháp luật của Bộ Ngoại giao hai nước đang nghiên cứu dự thảo xem xét thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa Iran và Nga. Theo IRNA, thỏa thuận này có thể được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở vùng Kazan (Nga) vào tháng 10-2024.
Theo giới chuyên gia, thỏa thuận trên là sự mở đầu cho chính sách đối ngoại mới của Iran là “cân bằng và lợi ích”, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các dự án cơ sở hạ tầng chung và hợp tác về năng lượng, thúc đẩy xuất khẩu lao động Iran sang Nga… để cả hai nước cùng vượt qua chính sách bao vây cấm vận của phương Tây. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc Iran hợp tác với Nga trong việc vận chuyển khí đốt của Moscow qua lãnh thổ quốc gia Trung Đông này tới châu Âu...
LÊ MINH HÙNG