Malaysia tăng biện pháp hỗ trợ khách đi máy bay

.

Từ ngày 2-9, các hãng hàng không ở Malaysia sẽ phải hoàn trả tiền vé cho khách nếu chuyến bay bị trễ từ 5 giờ trở lên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Các hãng hàng không ở Malaysia bị phát hiện vi phạm quy định về hoàn tiền cho khách khi chuyến bay bị trễ có thể bị phạt tối đa 46.000 USD. Ảnh: Reuters
Các hãng hàng không ở Malaysia bị phát hiện vi phạm quy định về hoàn tiền cho khách khi chuyến bay bị trễ có thể bị phạt tối đa 46.000 USD. Ảnh: Reuters

Trên toàn cầu, các cơ quan quản lý giao thông cũng đang gây áp lực lên các hãng bay để nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ sau hàng loạt sự cố về lịch trình bay và những hành vi kinh doanh thiếu minh bạch khiến dư luận yêu cầu cải cách. Tại Úc, gần đây, hãng Qantas bị kiện vì bán vé cho hàng nghìn chuyến bay bị hủy.

Theo quy định mới của Malaysia, ngoài việc được hoàn tiền, hành khách có thể chọn mua vé khác nếu không muốn tiếp tục chờ chuyến bay bị trễ. Quy định này áp dụng cho cả những trường hợp khách chọn không tiếp tục hành trình bay. Theo Bloomberg, Malaysia cũng thông báo các hãng vi phạm quy định mới có thể bị phạt tối đa 200.000 ringgit (tương đương 46.000 USD), và mức phạt sẽ tăng cao hơn đối với những vi phạm tiếp theo. Hiện, hãng hàng không quốc gia của Malaysia đang gặp nhiều khó khăn do các sự cố liên quan đến động cơ của máy bay Airbus SE A330. Malaysia Airlines đã thông báo vào đầu tháng này rằng họ buộc phải cắt giảm mạng lưới bay từ nay đến tháng 12-2024.

Trước đó, trong năm nay, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng ra lệnh cho các hãng hàng không phải hoàn tiền tự động cho những chuyến bay bị hủy hoặc trễ (delay) đáng kể. Những biện pháp bảo vệ quyền lợi hành khách tại Mỹ đã được tăng cường sau khi có quá nhiều khiếu nại về việc các hãng bay từ chối hoặc chậm trễ trong việc hoàn tiền. Trong khi đó, Úc bắt đầu tham vấn về các cải cách toàn diện nhằm tăng cường cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành hàng không, bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hành khách được hoàn tiền khi gặp những sự cố liên quan tới chuyến bay.

Trao đổi với Bloomberg, Giám đốc điều hành Qantas, bà Vanessa Hudson cảnh báo việc buộc các hãng hàng không phải hoàn tiền cho những chuyến bay bị hủy hoặc trễ có thể dẫn đến việc tăng giá vé, vì hãng bay sẽ phải tìm cách bù đắp chi phí phát sinh. Do nghĩa vụ hoàn tiền cao hơn nên các hãng bay sẽ phải chịu thêm chi phí, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng trực tiếp chi phí hoạt động, nhất là đối với các hãng bay giá rẻ thường hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Như vậy, để bù đắp chi phí vận hành doanh nghiệp gia tăng do nghĩa vụ hoàn tiền tăng, các hãng bay gần như tất yếu sẽ phải tăng giá vé. Giới phân tích cho rằng khi các hãng hàng không tìm cách duy trì lợi nhuận do chi phí hoạt động cao hơn, họ có thể chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá vé, theo Times of India.

Dù vậy, chính sách mới này cũng sẽ tạo ra các ảnh hưởng nhất định lên sự cạnh tranh thị trường. Chính sách hoàn tiền mới có thể tạo sân chơi bình đẳng giữa các hãng hàng không, khiến các hãng cạnh tranh mạnh mẽ hơn về giá, từ đó giúp ổn định hoặc thậm chí giảm giá ở một số thị trường nhất định mặc dù chi phí hoạt động tăng.

Thay đổi hành vi khách hàng?
Khi người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình và các chính sách hoàn tiền mới, số lượng yêu cầu hoàn tiền có thể tăng lên. Điều này sẽ gây căng thẳng hơn nữa cho nguồn lực của hãng bay và ảnh hưởng đến chiến lược giá cả khi các hãng hàng không điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu hoàn tiền cao hơn. Mặt khác, chính sách hoàn tiền mới này còn có thể tạo nên những thay đổi trong lựa chọn du lịch của khách hàng. Nếu người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi biết họ có thể được hoàn tiền, họ sẽ sẵn sàng đặt chuyến bay hơn, có khả năng làm tăng nhu cầu chung về du lịch hàng không.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.