Mỹ hâm nóng quan hệ với Saudi Arabia

.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công của Mỹ cho Saudi Arabia, chấm dứt chính sách tồn tại nhiều năm qua nhằm gây sức ép buộc Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến tại Yemen.

Saudi Arabia là một trong những quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Ảnh: AFP
Saudi Arabia là một trong những quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Ảnh: AFP

Theo Reuters, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí đối với Saudi Arabia và việc mua bán có thể được nối lại vào tuần này. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét các đợt chuyển giao mới theo từng trường hợp cụ thể phù hợp với chính sách chuyển giao vũ khí thông thường”. Theo luật pháp Mỹ, các thỏa thuận vũ khí quốc tế lớn phải được các thành viên của Quốc hội xem xét trước khi chúng được hoàn tất.

Saudi Arabia là một trong những quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng lập trường cứng rắn và ngừng bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia, qua đó đóng băng nhiều loại vũ khí mà các chính quyền Mỹ trước đây đã cung cấp cho đồng minh này trong nhiều thập niên. Ông Biden viện dẫn lý do chiến dịch quân sự của nước này chống lại lực lượng Houthi ở Yemen gây thương vong nặng nề cho dân thường. Các nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng từng phản đối các thương vụ bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia trong những năm gần đây. Lực lượng Houthi lật đổ chính phủ được Saudi Arabia hậu thuẫn ở Yemen vào cuối năm 2014 và tham chiến chống lại liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt kể từ năm 2015. Cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và khiến 80% dân số Yemen sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Mỹ đã dịu hơn, trong bối cảnh Trung Đông rơi vào hỗn loạn sau khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ ở dải Gaza, cũng như những thay đổi trong cách thức tiến hành chiến dịch ở Yemen. Kể từ tháng 3-2022, thời điểm Saudi Arabia và lực lượng Houthi ở Yemen nhất trí lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc bảo trợ, Saudi Arabia đã không thực hiện bất kỳ cuộc không kích nào vào Yemen, trong khi Houthi cũng đã ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới bằng hỏa lực vào vương quốc này. Mối quan hệ giữa vương quốc này và Mỹ đã nồng ấm trở lại kể từ thời điểm đó và việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công lần này là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đang nồng ấm trở lại. “Chúng tôi cũng ghi nhận những bước đi tích cực mà Bộ Quốc phòng Saudi đã thực hiện trong ba năm qua để cải thiện đáng kể các quy trình giảm thiểu tác động đối với dân thường, một phần là nhờ vào công sức của các cố vấn và giảng viên Mỹ”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Hamas ở dải Gaza và Israel - Iran leo thang lên một cấp độ nguy hiểm hơn, có nguy cơ làm mất ổn định khu vực, tại sao Washington hâm nóng lại quan hệ với Riyadh? Các cuộc giao tranh khu vực đã củng cố niềm tin của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng họ cần Saudi Arabia là đối tác quan trọng trong khu vực. Nhìn rộng ra, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm với Saudi Arabia nhằm thúc đẩy thỏa thuận mang tính bước ngoặt với vương quốc này để tạo lợi thế địa chiến lược ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực tiếp tục suy yếu và nỗ lực hòa giải ở Gaza không có nhiều tiến triển.

Theo The Wall Street Journal, Mỹ đang hoàn thiện thỏa thuận lớn “hai trong một” nhằm bảo đảm liên minh an ninh Mỹ-Saudi Arabia đồng thời hàn gắn quan hệ Saudi Arabia và Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, để tạo “bộ ba” vững chãi ở Trung Đông, qua đó thay đổi bộ mặt khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này không dễ đi vào thực tiễn bởi Saudi Arabia nhấn mạnh rằng kế hoạch thành lập nhà nước Palestine là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa với Israel trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một mực bác bỏ. Saudi Arabia ý thức rằng họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro đáng kể đối với uy tín trong khu vực và sự ổn định trong nước khi theo đuổi bình thường hóa với Israel vì nỗi đau của người Palestine trong cuộc đáp trả Hamas của quân đội Israel ở dải Gaza vẫn là mối bận tâm lớn trên các phương tiện truyền thông của thế giới Arab.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.