Đại sứ quán Nga tại Pháp đang nhanh chóng thực hiện các bước để làm rõ tình hình xung quanh nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov, sau khi xuất hiện thông tin về vụ bắt giữ ông tại Pháp.
RT dẫn thông tin từ hãng truyền thông LCI (Pháp) cho biết, ông Pavel Durov (39 tuổi) bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget ngày 24-8. Chính quyền Pháp ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ, cho rằng việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, các công cụ mã hóa, thiếu hợp tác với chính quyền khiến nền tảng này được tội phạm sử dụng rộng rãi mà không bị ngăn chặn. Điều này khiến ông Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố... CEO Telegram sẽ phải ra hầu tòa và có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Ông Pavel Durov sinh ra tại Saint Petersburg (Nga). Ông rời Nga vào giữa những năm 2010 và chủ yếu sống tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông trở thành công dân Pháp vào năm 2021. Ông có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis. Do là công dân Pháp, nhà sáng lập Telegram cũng có thể phải đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moscow do những mối liên hệ của ông ở Nga.
Theo TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Đại sứ quán Nga tại Pháp đã ngay lập tức vào cuộc để làm rõ tình hình liên quan tới vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram “như cách họ vẫn làm trong một vụ án, khi có thông tin một bên đã bắt giữ một công dân Nga”. Trước đó, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Vladislav Davankov đã liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov với yêu cầu tìm cách trả tự do cho ông Durov khi cho rằng hầu như không ai khác làm được nhiều hơn thế cho sự phát triển của các dịch vụ kỹ thuật số ở Nga và thế giới.
“Tôi đã hối thúc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kháng nghị lên chính quyền Pháp để thả ông Durov khỏi nơi giam giữ. Việc bắt giữ ông ấy có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Telegram”, chính trị gia Nga viết trên Telegram. Theo quan chức Nga, trong trường hợp Paris từ chối thả ông Durov, mọi thứ phải được thực hiện để đưa ông ấy đến UAE hoặc Nga, tất nhiên là nếu ông ấy đồng ý.
Theo Reuters, ông Durov ra mắt Telegram vào năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai. Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này hiện có hơn 950 triệu người dùng hoạt động hằng tháng và đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tháng 3-2024, ông Durov tiết lộ Telegram trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Công ty này có doanh thu hàng trăm triệu USD sau khi áp dụng chính sách quảng cáo và dịch vụ trả phí Telegram Premium cách đây hai năm.
Telegram là ứng dụng đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước khác. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đưa tin về tình hình liên quan cuộc xung đột. Theo Reuters, ông Durov từng được ca ngợi là “Mark Zuckerberg của Nga” sau khi đồng sáng lập ra VKontakte (VK), mạng xã hội phổ biến nhất nước này năm 2007. Ông Durov hiện có tài sản 15,5 tỷ USD và sở hữu hoàn toàn Telegram. Ông từng cho biết công ty được các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có các quỹ đầu tư công nghệ toàn cầu định giá hơn 30 tỷ USD.
NGHI VĂN