Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố cùng lúc, từ tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội đến sự bất bình đẳng xã hội và chính sách di cư đã châm ngòi làn sóng bạo loạn trên khắp nước Anh trong những ngày qua.
Theo AP, biểu tình bùng phát ở nhiều thành phố của Anh sau khi nghi phạm Axel Rudakubana (17 tuổi) bị bắt ngày 29-7 với cáo buộc đâm dao tại trường dạy múa ở Southport (vùng Merseyside), khiến 3 bé gái thiệt mạng. Dù cảnh sát tuyên bố nghi phạm Rudakubana sinh ra và lớn lên ở Anh, song phe cực hữu lan truyền nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội cho rằng kẻ tấn công là người nhập cư không giấy tờ, theo đạo Hồi, làm dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo.
Một ngày sau vụ việc ở Southport, hàng nghìn người tụ tập gần văn phòng Thủ tướng ở phố Downing, London và nhiều người đụng độ với cảnh sát. Kể từ đó, bạo loạn lan rộng ra hơn 20 địa điểm trên khắp nước Anh. Hầu hết các cuộc biểu tình đều có sự tham gia của vài trăm người nhắm vào người di cư hoặc người Hồi giáo. Sau đó, hàng nghìn người tại nhiều thành phố cũng đổ ra đường để phản đối các cuộc biểu tình chống người nhập cư do các nhóm cực hữu phát động. Tình hình khiến các vụ đụng độ giữa hai bên thêm lan rộng. Đây là đợt bạo loạn tồi tệ nhất tại Anh kể từ mùa hè năm 2011. Đến nay, khoảng 400 người bị bắt và hơn 120 người bị buộc tội liên quan bạo loạn.
Theo Reuters, Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của pháp luật để trừng trị những kẻ bạo loạn. Thủ tướng Anh đã hủy kế hoạch nghỉ mát cùng gia đình ở châu Âu và quyết định ở lại Anh để tập trung phối hợp thực hiện các nỗ lực nhằm xử lý các cuộc bạo loạn. Người đứng đầu cơ quan công tố Stephen Parkinson, cảnh báo một số đối tượng có thể đối mặt với cáo buộc khủng bố. Bộ trưởng Khoa học Peter Kyle đã gặp đại diện của TikTok, Meta, Google và X để thực thi thông điệp rằng họ có trách nhiệm giúp ngăn chặn hành vi kích động và lan truyền thông tin sai lệch.
Theo Arab News, dù các nhà lãnh đạo Anh đã xác định rõ hành vi côn đồ là nguyên nhân chính, nhưng nhiều nhà bình luận và chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của bạo loạn không chỉ là hành vi bạo lực đơn thuần mà còn phản ánh sự bất mãn xã hội lớn hơn. Một số ý kiến nhận định, các cuộc bạo loạn này là kết quả của sự thất vọng về chính phủ và tình trạng xã hội hiện tại. Dẫn một nguồn tin giấu tên, Arab News cho biết, các cuộc bạo loạn này xuất phát từ sự thất vọng tích tụ lâu dài đối với tình trạng quản lý đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình di cư và những chính sách của chính phủ. Thông tin sai lệch về danh tính của kẻ gây ra vụ tấn công tại Southport đã kích động sự phẫn nộ và tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhóm cực hữu.
Một yếu tố quan trọng “tiếp tay” tình trạng bạo loạn là sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Theo Reuters, các công ty truyền thông xã hội đã bị Chính phủ Anh cáo buộc không làm đủ để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch. Trong khi đó, Viện nghiên cứu đối thoại chiến lược cho biết, các thuật toán của chính các công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc khuếch đại thông điệp sai lệch. Ông Paul Reilly, giảng viên cao cấp tại Đại học Glasgow, chỉ ra rằng một số nhà bình luận chính trị cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy diễn ngôn độc hại xung quanh vấn đề di cư. Ông cho rằng, các chính trị gia và nhà bình luận đã làm trầm trọng thêm tình hình.
Một yếu tố khác là tình trạng bất bình đẳng xã hội và sự phân bổ không công bằng tài nguyên. Nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo tạo điều kiện cho sự lan truyền của thông tin sai lệch và sự bất mãn trong cộng đồng. Sự thất vọng với chính phủ về việc không giải quyết được các vấn đề xã hội cơ bản đã dẫn đến việc tìm kiếm những đối tượng để đổ lỗi, trong đó có những người nhập cư và người xin tị nạn. Nhìn chung, sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố đã tạo ra môi trường dễ bị kích động và dẫn đến các cuộc bạo loạn ở Anh trong mùa hè này.
NGHI VĂN