Nối lại đàm phán về ngừng bắn ở Gaza

.

Đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại dải Gaza dự kiến nối lại vào ngày 21-8 với kỳ vọng mang đến cơ hội thực sự cho tiến trình hòa bình ở Gaza.

Người dân Palestine di tản khỏi trại tị nạn Maghazi ở trung tâm dải Gaza. Ảnh: AP
Người dân Palestine di tản khỏi trại tị nạn Maghazi ở trung tâm dải Gaza. Ảnh: AP

Vòng đàm phán mới nhất này thực sự rất quan trọng bởi đây là nỗ lực ngoại giao lớn của các nhà trung gian hòa giải Qatar, Ai Cập và Mỹ nhằm thúc đẩy nỗ lực cuối cùng để chấm dứt xung đột ở Gaza và giải thoát các con tin - một điều kiện có thể khiến Iran dừng ý định tấn công trả đũa Israel.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Các phái đoàn của Ai Cập, Qatar và Mỹ, cùng với giới chức Israel, sẽ đàm phán trong hai ngày 21 và 22-8 tại Cairo (Ai Cập). Theo The Guardian, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Israel để gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác trong nỗ lực ngoại giao ngày càng tăng của Washington nhằm đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza. Chuyến đi thứ 9 của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tới khu vực này kể từ khi xung đột ở Gaza bùng nổ diễn ra vài ngày sau khi Mỹ đưa ra các đề xuất bắc cầu được kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giữa các bên giao tranh.

Trước đó, ngày 15 và 16-8, các nhà đàm phán Israel họp với đại diện Mỹ, Qatar và Ai Cập, tiến hành đàm phán sâu rộng với tinh thần xây dựng nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, trong đó có việc trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ, cùng những người Palestine đang bị giam giữ. Trong tuyên bố chung công bố ngày 16-8, cả ba nước trung gian hòa giải đưa ra “đề xuất bắc cầu” đối với Hamas và Israel, phù hợp các nguyên tắc theo Nghị quyết số 2735 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và triệt để ở Gaza. Về phần mình, Hamas không tham dự các cuộc đàm phán này nhưng tham gia riêng rẽ với các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông đang gần hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nhóm đàm phán Israel bày tỏ lạc quan thận trọng về khả năng thúc đẩy thỏa thuận và kỳ vọng rằng áp lực từ Mỹ và các bên trung gian quốc tế sẽ khiến Hamas nhượng bộ.

Ngày 17-8, phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Tiếng nói Nam Bán cầu lần thứ ba do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho biết, một số quốc gia tham gia hội nghị bày tỏ mong muốn hai bên nối lại đàm phán khi rất lo ngại về thương vong của dân thường ở Gaza trong xung đột này. Ông cũng nhận định, vấn đề này cần được nêu ra tại Liên Hợp Quốc để tất cả thành viên đóng góp kiến nghị, dù có thể khó đạt được sự đồng thuận của tất cả quốc gia.

Những nút thắt còn lại là gì?

Dù Hamas và Israel có phản ứng tích cực ban đầu, nhưng cả hai bên đều không nhất trí về việc thực hiện các chi tiết cụ thể hơn của đề xuất, gồm trình tự trao đổi con tin, số lượng tù nhân Palestine được thả và quân đội Israel phải rút lui bao xa khỏi Gaza. Hiện, Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc đang cố tình phá hoại nỗ lực đàm phán.

Thực tế, trong suốt cuộc xung đột, ông Netanyahu đã bị mắc kẹt giữa hai thế lực chính trị mạnh mẽ: các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền của ông, những người phản đối bất kỳ đề xuất nào cho rằng quân đội Israel nên rời khỏi Gaza, và người thân của những con tin bị Hamas bắt giữ khi họ đã thành lập nhóm gây sức ép mạnh mẽ và thúc giục lệnh ngừng bắn. Đó là lý do tại sao quân đội Israel vẫn tiếp tục tấn công đẫm máu vào Gaza bất chấp lời cảnh báo từ Tổng thống Biden rằng “không ai được phép thực hiện hành động phá hoại tiến trình thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin”.

Theo CNN, ngày 17-8, ít nhất 18 người Palestine trong một gia đình thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong cuộc không kích của Israel tại thị trấn Zawayda của Gaza. Cùng ngày, Israel cũng thực hiện cuộc tấn công vào Lebanon khiến 10 người thiệt mạng. Giới chức an ninh Israel tin rằng nước này đã khôi phục được khả năng răn đe vốn là trọng tâm trong chiến lược phòng thủ của mình trong nhiều thập niên.

Theo nhận định của The Guardian, bất chấp thiệt hại to lớn đối với danh tiếng trên trường quốc tế, mối quan hệ với Mỹ, thiệt hại về kinh tế và quân sự, cùng với sự giận dữ sôi sục ở Bờ Tây bị chiếm đóng, chính quyền Thủ tướng  Netanyahu vẫn tiếp tục tấn công vào Gaza.

Lập trường hiện nay của Hamas là gì? Theo CNN, Hamas không loại trừ khả năng đạt thỏa thuận với Israel nhưng họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo. Thay vào đó, họ yêu cầu các nhà trung gian đưa ra kế hoạch thực hiện đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Biden đưa ra vào tháng 5-2024. Al Jazeera dẫn lời người phát ngôn của Hamas Jihad Taha vào ngày 17-8, cáo buộc Israel đã đưa ra các yêu cầu mới ngoài đề xuất trước đó, vốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế cũng như đã được Hamas đồng ý về nguyên tắc; đồng thời cáo buộc Thủ tướngNetanyahu sử dụng chúng để cản trở nỗ lực đàm phán.

Tính đến nay, hàng chục vòng đàm phán, nghị quyết của Liên Hợp Quốc, áp lực từ Mỹ và các cường quốc khác, cùng nhiều động lực khác vẫn chưa thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo Israel hoặc Hamas đưa ra nhượng bộ cần thiết để chấm dứt xung đột gây thương vong đặc biệt nghiêm trọng ở Gaza.

Theo các cơ quan y tế Palestine, chiến dịch quân sự của Israel đã biến phần lớn Gaza thành đống đổ nát và khiến hơn 40.000 người Palestine, chủ yếu là thường dân thiệt mạng. Con số này không bao gồm hàng nghìn người được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát hoặc những người đã chết vì suy dinh dưỡng hoặc thiếu điều trị y tế do Israel phá hủy hệ thống bệnh viện. Trong khi đó, Israel tuyên bố tiêu diệt 17.000 chiến binh Hamas mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.