OpenAI, Nvidia gây sốt thị trường công nghệ

.

Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo OpenAI và “gã khổng lồ” bán dẫn Nvidia (Mỹ) được nhắc đến nhiều nhất lúc này khi liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, cho thấy sức nóng không ngừng lan rộng của các ngành công nghệ tiềm năng này.

Giá trị thị trường của Nvidia vượt 3.000 tỷ USD và là một trong ba công ty duy nhất của Mỹ đạt cột mốc ấn tượng này. Ảnh: Reuters
Giá trị thị trường của Nvidia vượt 3.000 tỷ USD và là một trong ba công ty duy nhất của Mỹ đạt cột mốc ấn tượng này. Ảnh: Reuters

Việc hai “con cưng” của ngành trí tuệ nhân tạo (AI) cùng bứt tốc là minh chứng về mối quan hệ tương hỗ giữa AI và công nghệ bán dẫn bởi sự gia tăng nhu cầu đối với các ứng dụng AI đòi hỏi nỗ lực tăng cường đầu tư hạ tầng dữ liệu và cơ sở sản xuất chip bán dẫn.

OpenAI trước cơ hội nâng giá trị lên 100 tỷ USD

Ngày 29-8, Investing.com cho biết, OpenAI - cha đẻ của ChatGPT - đang bước vào vòng gọi vốn mới. Nếu suôn sẻ, công ty này có thể nâng giá trị bản thân vượt mốc 100 tỷ USD từ mức định giá hiện nay khoảng 86 tỷ USD sau đợt bán hàng loạt cổ phần công ty của nhân viên cuối năm 2023. Dẫn đầu trong vòng gọi vốn này là Tập đoàn đầu tư mạo hiểm Thrive Capital, với mức đầu tư 1 tỷ USD. Microsoft - đối tác lớn nhất của OpenAI - cũng được kỳ vọng rót thêm tiền vào công ty này. Những con số ấn tượng này biến đây trở thành vòng gọi vốn bên ngoài lớn nhất của OpenAI từ khi công ty này nhận khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào đầu năm 2023. 

OpenAI chứng kiến ​​mức định giá tăng mạnh, phần lớn là nhờ vào thành công của ChatGPT, chatbot nổi tiếng với khả năng tạo ra các phản hồi trò chuyện mô phỏng tương tác của con người. Vòng gọi vốn mới nhất này cho thấy sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng vào các công ty khởi nghiệp về AI. Việc tăng định giá của OpenAI cũng phản ánh sự công nhận của ngành về tác động của ChatGPT và tiềm năng rộng lớn hơn của các ứng dụng AI.

Doanh số Nvidia tăng mạnh

Theo CNN, Nvidia đã báo cáo doanh thu hơn 30 tỷ USD trong quý tài chính thứ hai (từ tháng 5 đến 7-2024), tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức dự báo của các nhà phân tích. Lợi nhuận quý cũng tăng gấp đôi lên 16,6 tỷ USD. Mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của Nvidia vẫn tiếp tục là động lực chính thúc đẩy thành công của công ty, cho thấy nhu cầu về cơ sở hạ tầng AI trong lĩnh vực công nghệ không hề chậm lại. Công ty đã thu về gần 26,3 tỷ USD từ doanh số bán trung tâm dữ liệu, chiếm 87% tổng doanh thu. Những con số ấn tượng này tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng đáng kinh ngạc trong hai năm qua của một trong những công ty giá trị nhất thế giới này.

Các bộ vi xử lý AI của Nvidia góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của AI trong lĩnh vực công nghệ và làm dấy lên làn sóng đầu tư vào AI trên Phố Wall. Cổ phiếu của Nvidia tăng “phi mã” 154% trong năm nay và hơn 3.000% trong 5 năm qua cũng nhờ cơn sốt AI. Đến nay, giá trị thị trường của công ty vượt 3.000 tỷ USD và là một trong ba công ty duy nhất của Mỹ đạt cột mốc ấn tượng này. Quỹ đạo của cổ phiếu Nvidia có tác động lan tỏa trên toàn thị trường do tỷ trọng lớn của công ty chiếm khoảng 7% trong chỉ số S&P 500.

Nvidia tiếp tục hưởng lợi từ nghịch lý thú vị trên thị trường: các Big Tech (công ty công nghệ lớn) dù chủ động đầu tư phát triển chip của riêng mình, nhưng vẫn cần phải mua chip AI của Nvidia. Google, Microsoft và Meta Platforms gần đây công bố kế koạch đẩy mạnh chi tiêu cho AI. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 29-8, Tổng giám đốc điều hành của Nvidia, ông Jensen Huang cho biết, chip của công ty không chỉ cung cấp năng lượng cho các chatbot AI mà còn cung cấp năng lượng cho các hệ thống nhắm mục tiêu quảng cáo, công cụ tìm kiếm, robot và thuật toán đề xuất giống như những thuật toán đằng sau nguồn cấp dữ liệu truyền thông xã hội. “Bắt đầu từ quý 4-2024, chúng tôi sẽ tăng tốc phát triển chip Blackwell có khả năng đạt tốc độ xử lý AI nhanh hơn từ 7 đến 30 lần tùy tác vụ so với các phiên bản trước trong bối cảnh nhu cầu về loại chip này đang vượt xa nguồn cung”, ông Jensen Huang nói.

Theo Fortune, Nvidia được biết đến là “cường quốc sản xuất chip” nhưng thực tế công ty này không tự sản xuất chip bởi đó là công việc của Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Thay vào đó, Nvidia thiết kế và phát triển chip, sau đó nhờ TSCM chế tạo chúng trước khi Nvidia tiến hành quy trình tích hợp phức tạp (gọi là đóng gói) và thử nghiệm nghiêm ngặt. Nvidia cung cấp những gì mà các nhà phân tích đã gọi là “cái cuốc và cái xẻng” của “cơn sốt đào vàng” thời hiện đại, được thúc đẩy bởi công nghệ. AI chỉ là cuộc cách mạng mới nhất và vĩ đại nhất trong số những cuộc cách mạng có lợi nhuận cao này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.