Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc: Suy thoái chưa từng có và tương lai bất định

.

Ngày 5-8, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua cơn địa chấn với các chỉ số chính trên toàn thế giới đều ghi nhận mức lỗ đáng kể.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: AP
Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: AP

Việc thị trường chứng khoán thế giới lao dốc ngày 5-8 gây chấn động hệ thống tài chính toàn cầu. Sự sụt giảm chưa từng có ở Nhật Bản và các thị trường châu Á khác làm nổi bật sự mong manh của môi trường kinh tế hiện tại và tiềm ẩn khả năng biến động hơn nữa.

Lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng

Theo CNN, việc bán tháo cổ phiếu diễn ra không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Các thị trường châu Á khác, bao gồm chỉ số Kospi của Hàn Quốc, cũng đối mặt với tổn thất đáng kể, thậm chí có lúc giao dịch phải tạm ngừng vì ngắt mạch thị trường (cơ chế tự động tạm dừng giao dịch chứng khoán khi giá chứng khoán hoặc chỉ số thị trường biến động quá mạnh trong một khoảng thời gian ngắn). Thị trường châu Âu dự kiến ​​mở cửa với chỉ số thấp hơn, phản ánh tâm lý tiêu cực từ thị trường Mỹ.

Phản ứng của thị trường được cho là có nguyên nhân từ tác động kết hợp giữa báo cáo thu nhập đáng thất vọng của các công ty công nghệ và cả tâm lý hoài nghi về tính bền vững của các đợt phục hồi thị trường gần đây, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi Công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett giảm bớt lượng cổ phần nắm giữ tại Apple, thông tin làm dấy lên đồn đoán về hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai của “Quả táo”.

Vox và Yahoo Finance dẫn nhận định của giới phân tích chỉ ra chính mối lo ngại ngày càng tăng về kinh tế Mỹ đang giảm tốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái thị trường ngày 5-8. Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều như muốn cảnh báo về sức khỏe có gì đó chưa ổn của kinh tế nước này. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.000 điểm; chỉ số Nasdaq Composite mất hơn 3,4%; chỉ số S&P500 mất gần 3% trong một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2022.

Bên cạnh đó, báo cáo thị trường việc làm tại Mỹ gây thất vọng cũng cho thấy hoạt động tuyển dụng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Sau khi các số liệu kinh tế yếu kém được công bố, Ngân hàng Goldman Sachs sửa đổi dự đoán khi cho rằng Cục dự trữ Liên bang (FED) có thể giảm lãi suất sớm hơn dự đoán trước đó. Sự thay đổi trong các kỳ vọng của thị trường này góp phần gây ra biến động giá cổ phiếu khi giới đầu tư đánh giá lại lượng cổ phiếu đang nắm giữ.

Phản ứng của thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi diễn biến của chứng khoán Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Theo CNN, có sự đồng thuận ngày càng lớn hơn cho rằng, định giá cổ phiếu trong lĩnh vực này vượt qua giới hạn hợp lý, do đó có thể dẫn đến sự điều chỉnh thêm nếu các điều kiện kinh tế không được cải thiện. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, và điều này tạo sự bất ổn đối với kinh tế toàn cầu.

Phản ứng và dự báo

Bất chấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng thị trường chứng khoán thế giới lao dốc ngày 5-8, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường này. Trao đổi với Vox, chuyên gia Keith Lerner thuộc công ty tư vấn tài chính Truist Wealth chỉ ra, dù giai đoạn hiện tại là điều chỉnh nhưng xu hướng thị trường tăng trưởng và các nhà đầu tư lạc quan về nền kinh tế vẫn duy trì, cho thấy thị trường có thể ổn định sau giai đoạn hỗn loạn này. Những chuyên gia theo góc nhìn này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào sức mạnh cơ bản của kinh tế và tính bền vững của lợi nhuận doanh nghiệp hơn là sự biến động ngắn hạn. Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại tổ chức tài chính Independent Advisor Alliance (Mỹ), cho biết: “Từ lâu chúng tôi tin nền kinh tế là quan trọng nhất chứ không phải việc hạ lãi suất nhằm mục đích nâng giá cổ phiếu”.

Tuy nhiên, CNN dẫn nhận định của một số nhà phân tích khác lo ngại về khả năng thị trường tiếp tục sụt giảm thêm khi lưu ý rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định của thị trường không chỉ là biến động tiền tệ mà còn là hiệu quả hoạt động của chứng khoán Mỹ, nhất là lĩnh vực công nghệ. Tình hình này đặt câu hỏi về tính bền vững của các đợt phục hồi thị trường gần đây và khả năng xảy ra đợt suy thoái kéo dài hơn.

Nhận định trên Foreign Policy, ông Benn Steil, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho rằng: “Sự tăng giá của thị trường trong năm qua được thúc đẩy bởi niềm tin rằng FED có thể hạ cánh mềm thành công. Còn giờ đây, thị trường lo ngại rằng FED có thể chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất và các khoản doanh thu trong lĩnh vực AI có thể không đạt được kỳ vọng”.

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục
Sáng 6-8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng mạnh trở lại tới 10,7%, sau khi giảm kỷ lục 12,4% vào ngày hôm trước. Các cổ phiếu của Toyota Motor Corp., Tokyo Electron, Honda Motor Co... đều tăng. Sự sụt giảm gần đây trên thị trường chứng khoán là do Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất điều hành, dẫn đến việc giới đầu tư rút tiền ra khỏi Nhật Bản để đầu tư vào các thị trường khác. AP dẫn nhận định của chuyên Stephen Innes từ công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ) so sánh sự phục hồi ngày 6-8 ở Nhật Bản như “chiếc thuyền cứu sinh” và lạc quan cho rằng, những biến động nhanh chóng của thị trường có thể biến tình huống tồi tệ ngày 5-8 thành ký ức thoáng qua.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.